Bán đảo Triều Tiên: Pháo nổ, tên lửa đối đầu

Tiếng pháo vang gần đảo Yeonpyeong trên biển Hoàng Hải hôm qua, khi Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu một cuộc tập trận chung với lực lượng không quân – hải quân hùng hậu. Trong khi đó, phía CHDCND Triều Tiên triển khai nhiều tên lửa đất đối không, sẵn sàng nhắm thẳng những máy bay chiến đấu của Hàn Quốc “vi phạm chủ quyền” nước này.

Tiếng pháo vang gần đảo Yeonpyeong trên biển Hoàng Hải hôm qua, khi Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu một cuộc tập trận chung với lực lượng không quân – hải quân hùng hậu. Trong khi đó, phía CHDCND Triều Tiên triển khai nhiều tên lửa đất đối không, sẵn sàng nhắm thẳng những máy bay chiến đấu của Hàn Quốc “vi phạm chủ quyền” của nước này.

Bán đảo Triều Tiên: Pháo nổ, tên lửa đối đầu ảnh 1
Tàu sân bay George Washington của Mỹ.

Bất chấp “hậu quả khôn lường”

Trong không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, cuộc tập trận Mỹ-Hàn từ 8h, giờ địa phương (tức khoảng 23h giờ GMT), tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc cho biết, song không nói rõ vị trí chính xác các vụ tập trận trên biển Hoàng Hải.

Theo đài truyền hình Hàn Quốc YTN, những tiếng nổ lớn đã phát đi ít lâu sau một lệnh sơ tán dân trên đảo Yeonpyeong. Sự kiện này xảy ra 5 ngày sau vụ nã pháo giữa Triều Tiên và Hàn Quốc hôm 23/11 ở gần ranh giới trên biển gây tranh cãi giữa hai miền Triều Tiên.

Trong cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, Mỹ đã huy động tàu sân bay hạt nhân George Washington vốn có thể chở tới 75 máy bay quân sự đủ các loại hiện đại cùng với hơn 6.000 thành viên thủy thủ đoàn.

Ngoài ra, theo chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, Mỹ huy động nhiều tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển USS Cowpens và USS Shiloh, cũng như nhiều tàu khu trục USS Lassen, USS Stethem và USS Fitzgerald. Hiện Mỹ có 28.500 binh lính tại Hàn Quốc.

Theo báo chí Hàn Quốc , Washington còn cung cấp cho cuộc tập trận một chiếc E8 Joint-STARTS, một chiếc máy bay giám sát các mục tiêu trên bộ. Hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức cấp cao trong Chính phủ Hàn Quốc cho hay, “chiếc máy bay này sẽ giám sát các mục tiêu (tiềm tàng) trên bộ của quân đội Bắc Triều Tiên”.

Về phần mình, Hàn Quốc dự kiến triển khai 6 tàu chiến, trong đó có một tàu khu trục phóng tên lửa 7.600 tấn được trang bị cho hệ thống Aegis, hai tàu khu trục 4.500 tấn, 2 tàu hộ tống chống tàu ngầm cùng các phương tiện hàng không hiện đại khác.

Phía Washington tuyên bố, cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là nhằm “tăng cường răn đe CHDCND Triều Tiên” và diễn ra trong khu vực biển rất nhạy cảm giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc.

Trong khi đó, phía Trung Quốc đã lên tiếng “phản đối mọi hành động quân sự không được phép bên trong khu vực đặc quyền kinh tế của Trung Quốc”. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc nói rằng, cuộc tập trận này ‘không phải nhằm chống Trung Quốc”, “mà chỉ có mục đích phòng vệ và nhằm tăng cường răn đe CHDCND Triều Tiên”.

Hôm 26/11, tân Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-Jin - người vừa được bổ nhiệm để “đáp ứng nhanh chóng và cứng rắn trước tình hình khủng hoảng” với Bình Nhưỡng – đã tuyên bố Hàn Quốc sẽ trả đũa “gấp bội lần” trong trường hợp bị miền Bắc tấn công vũ trang.

Tại trung tâm thủ đô Seoul , hàng nghìn binh lính thủy quân tập trung và kêu gọi chính quyền nước này chống trả cứng rắn đối với Triều Tiên. Họ đã đốt cháy một lá cờ của Triều Tiên cũng như nhiều bức ảnh chân dung của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il và con trai ông Kim Jong-un.

Bán đảo Triều Tiên: Pháo nổ, tên lửa đối đầu ảnh 2

Cựu chiến binh thủy quân Hàn Quốc tập trung phản đối vụ tấn công của Triều Tiên. Ảnh: AFP

Sẵn sàng “tấn công không thương tiếc”

Hôm qua, báo chí Hàn Quốc đưa tin, Bình Nhưỡng đã triển khai nhiều tên lửa đất đối không gần biên giới trên biển gây tranh cãi với Seoul. Một nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc khẳng định, những tên lửa này dường như sẵn sàng nhắm thẳng những máy bay chiến đấu của Hàn Quốc nào bay quá gần với ranh giới biển tranh chấp giữa hai miền.

Hôm 27/11, CHDCND Triều Tiên đã lên tiếng cảnh báo về “những hậu quả không thể lường trước được” khi Hàn Quốc và Mỹ tiến hành tập trận chung trên biển Hoàng Hải. “Nếu Mỹ cuối cùng vẫn triển khai tàu sân bay của mình trên vùng biển phía Tây (biển Hoàng Hải), thì không một ai có thể lường trước được hậu quả”, Bình Nhưỡng đã cảnh báo.

Bình Nhưỡng tuyên bố, cuộc tập trận là “một sự khiêu khích quân sự không thể khoan nhượng”. Ít phút trước đó, chính quyền Triều Tiên hứa “tấn công không thương tiếc” trong trường hợp không phận thuộc chủ quyền của nước này bị vi phạm, đặc biệt trên biển Hoàng Hải, nơi tàu chiến của Hàn Quốc và Mỹ được huy động tới đây tập trận trong vòng 4 ngày.

Trước nguy cơ bất ổn trong khu vực, hôm 27/11, một quan chức cao cấp về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, ông Dai Bingguo, đã tới Seoul để gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-hwan. Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Yang Jiechi đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và Nga.

Cuộc tập trận chung của Hàn Quốc và Mỹ diễn ra 5 ngày sau vụ Triều Tiên bắn pháo lên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc thuộc vùng biển Hoàng Hải. Vụ tấn công đầu tiên kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 này đã giết hại 2 dân thường cùng 2 lính Hàn Quốc và khiến quân đội Hàn Quốc phải bắn trả, theo tin từ Hàn Quốc.

Phía CHDCND Triều Tiên khẳng định rằng, “nếu đúng là có dân thường Hàn Quốc thiệt mạng trong cuộc đụng độ hôm 23/11, thì đó là những vụ thiệt mạng “rất đáng tiếc” song đó là vì Seoul đã lập nên “lá chắn người”.

Thủy Thu (tổng hợp)