Nổi tiếng nhờ… thị phi
Mạng xã hội hiện nay trở thành “không gian” tự do của mọi người, nơi bất cứ ai có thể chia sẻ suy nghĩ cá nhân, cuộc sống riêng tư. Không thể phủ nhận những lợi ích, tác động tích cực mà mạng xã hội mang lại. Song, đi cùng với những giá trị tốt đẹp, vẫn còn mặt trái, vấn nạn đến từ mạng xã hội. Trong đó, cách ứng xử thiếu văn hóa, bất chấp “chiêu trò”, thực hiện hành vi lệch chuẩn, thậm chí phạm luật để nổi tiếng của một bộ phận.
Trong nửa đầu năm 2023, hàng loạt vụ “vạ miệng” đã đưa tên tuổi rất nhiều ngôi sao đến với công chúng. Như một Hoa hậu có phát ngôn “gây sốc”, nữ ca sĩ trẻ trong buổi họp báo đã có câu trả lời “nhạy cảm quá đà”. Không lâu sau đó, một nam diễn viên trong buổi giao lưu quảng bá phim mới, đã có những lời lẽ không đúng mực. Không biết là cố tình, hay vô ý, nhưng tên tuổi của họ đã được lan truyền trên những trang mạng xã hội. Đi kèm với đó, những buổi biểu diễn, bộ phim mới có sự tham gia của nam diễn viên, nữ ca sĩ cũng được công chúng chú ý đến.
Không chỉ những người hoạt động trong giới showbiz mới cần đến chiêu trò để nổi tiếng. Mà nhiều người đã dùng Youtube, Tiktok để thực hiện các hành động lệch chuẩn như “bóc phốt” các nghệ sĩ nổi tiếng, đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân. Giống một nữ doanh nhân đã làm vào năm 2022, bằng việc livestream (phát sóng trực tiếp trên mạng) mỗi tối với những thông tin như “quỵt tiền từ thiện”, kể câu chuyện đời tư của người khác nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Hay sự kiện hàng loạt trang truyền thông và một bộ phận người hâm mộ Việt tràn vào Fanpage của cuộc thi Hoa hậu Miss Grand International để công kích khi đại diện từ nước Việt Nam không lọt vào tốp 10. Hoặc một số TikToker (người làm các video Tiktok) đã có hành vi xúc phạm người già, quay video giả gái trợn mắt, nghiến răng để dọa trẻ em,…
Thực tế cho thấy, trong các nền tảng mạng xã hội thông dụng ở Việt Nam, có một điểm chung là việc sử dụng thuật toán phân phối để tạo nên nội dung xu hướng (chạy theo những thứ đang “hot”, được nhiều người quan tâm). Điều này dẫn đến những nội dung độc hại phát tán đến mọi người rất nhanh và lan truyền trên diện rộng. Đặc biệt, các trào lưu “ảo” này thường có ảnh hưởng mạnh đến giới trẻ. Nhiều chuyên gia truyền thông cảnh báo, điều rất nghịch cảnh hiện nay là một bộ phận người trẻ không thích xem các vấn đề về lịch sử, xã hội, văn hóa, nhưng lại hứng thú và tung hô những người giỏi chửi bới, lừa đảo, nói xấu nhau trên mạng.
Với sự phát triển của “không gian ảo”, rất nhiều thần tượng mới ra đời. Trong đó, có không ít người đã từ bỏ giới tính để giả trai, giả gái nhằm thu hút sự chú ý. Cũng có KOLS (người có tầm ảnh hưởng), chia sẻ về cách lừa tiền, lừa tình để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Đáng buồn nhất, những “giang hồ mạng” với quá khứ tù tội, lời khuyên sai trái lại trở thành “kim chỉ nam” cho cộng đồng, đặc biệt là người trẻ.
Thực tế cho thấy, mạng xã hội không còn chỉ đơn thuần là phương tiện truyền đạt thông tin, mà còn là công cụ hữu hiệu trong việc truyền bá các sản phẩm văn hóa, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, sáng tạo và phổ biến những giá trị văn hóa mới. Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội cao nhất trên thế giới với khoảng 76,95 triệu người dùng, chiếm 78,1% dân số. Nhưng theo báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) do Microsoft công bố năm 2021, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ văn minh thấp trên không gian mạng. Cũng theo khảo sát này, những chủ đề người Việt Nam có những hành vi ứng xử không đúng mực bao gồm: các mối quan hệ tình cảm, giới tính, ngoại hình, chủng tộc và chính trị.
“Cấm sóng” những người nổi tiếng phạm luật, lệch chuẩn
|
Người nổi tiếng bằng hành động phạm pháp, lệch chuẩn đang ảnh hưởng xấu đến giới trẻ. (Nguồn: NH) |
Mặc dù đã Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành “Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” vào năm 2021, nhưng vấn nạn người làm văn hóa - nghệ thuật có những phát ngôn, hành xử khiếm nhã, thiếu văn hóa với khán giả lẫn đồng nghiệp vẫn diễn ra. Đặc biệt, ở trên không gian mạng, nơi mỗi người có quyền tự do cá nhân để bộc lộ quan điểm, thì những chiêu trò vẫn liên tục được diễn ra. Đi kèm theo đó, là ánh mắt tò mò của khán giả, đẩy lượt theo dõi lên hàng trăm nghìn trong mỗi video, bài viết chứa thông tin sai lệch, độc hại. Đưa những “ngôi sao lệch chuẩn” lên thành người nổi tiếng, giúp họ thu về hàng loạt hợp đồng quảng cáo, vai diễn. Để từ đó, không ít người “nuôi mộng” dùng bàn đạp tai tiếng trên mạng xã hội để đi lên.
Tại Hội thảo Văn hóa năm 2022, với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, diễn ra tại Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Thanh Lâm đã chia sẻ vấn đề khiến toàn xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh rất lo lắng, bất an thời gian gần đây, đó là tràn lan “rác độc” trên mạng xã hội. Ông Nguyễn Thanh Lâm cũng cho biết thêm về việc ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua có những hành động quyết liệt, triệt để. Việc xử lý các nền tảng xuyên biên giới không còn quá khó khăn nữa, bởi từ nhận thức, ý chí tới một số chính sách để xử lý việc này đã được hoàn thiện.
Còn theo Quyết định số 512/QĐ-BTTTT ngày 31/3/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc “quản lý người nổi tiếng trên mạng” là một trong 19 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ra trong “Cập nhật kế hoạch hành động cập nhật triển khai Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025”.
Được biết, quy trình này sẽ đưa ra chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn, nhằm hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo đối với người nổi tiếng, các KOLS (người có tầm ảnh hưởng) nếu có hành vi phạm pháp luật, hành xử gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, trái với thuần phong mỹ tục. Đây là một biện pháp được dư luận hy vọng sẽ trở thành “ngọn roi” đủ sức nặng để răn đe khi đánh vào chính nguồn sống của nghệ sĩ, buộc họ phải tự điều chỉnh lại lối hành xử của mình. Đồng thời đây là một biện pháp nhằm đem đến môi trường mạng xã hội lành mạnh. Quy trình này được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp với Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hoàn thành vào tháng 10/2023.
Ngoài ra, để bảo đảm cho người dân có một “không gian” mạng lành mạnh, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ thường xuyên duy trì đấu tranh buộc các nền tảng xuyên biên giới phải chặn, gỡ thông tin xấu độc với tỷ lệ đáp ứng cao, từ 90 - 95%, với thời gian xử lý dưới 24 giờ; khóa các trang, kênh vi phạm nghiêm trọng; phát triển thuật toán để chặn hiệu quả các quảng cáo sai sự thật; gỡ các game không phép trên Google Store và Apple Store. Đồng thời, thường xuyên định hướng, chỉ đạo trực tuyến mạng lưới trang tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội có lượng người truy cập lớn, bảo đảm hoạt động đúng quy định.
Đồng thời bên cạnh việc xử phạt người nổi tiếng thực hiện hành vi thiếu văn hóa trên mạng xã hội, điều quan trọng không kém cần trang bị kiến thức, để người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên, bậc phụ huynh có thể nhận biết, kịp thời loại bỏ những thông tin “bẩn” trên mạng xã hội. Đối với những hành xử vô văn hóa, những biểu hiện “lệch chuẩn” để tìm kiếm sự nổi tiếng, cần có sự phản biện tích cực của dư luận xã hội, đề cao vai trò của người đứng đầu, quản trị viên các diễn đàn, website, fanclub… Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, giáo dục cách thức tự bảo vệ trên không gian mạng cho giới trẻ, nhất là thiếu niên và trẻ em. Đây là giải pháp có ý nghĩa then chốt và lâu dài nhằm nâng cao dân trí một cách toàn diện về hành vi ứng xử trên mạng xã hội.