Có nên tiếp tục bán hàng bình ổn giá hay không? – Trả lời câu hỏi này các cơ quan chức năng phải tổng kết và rút kinh nghiệm, để đồng tiền “rót” ra được đúng chỗ, việc chi tiêu cũng được minh bạch hơn và đem lại hiệu quả cao hơn.
Cần trả lời băn khoăn của người tiêu dùng
Khi được hỏi về việc mua hàng bình ổn giá, chị Lương Thị Huyền Sâm (đường Trường Chinh, phường Khương Thượng, quận Đống Đa) bộc bạch: “Thi thoảng tôi cũng mua một số mặt hàng trong chương trình bán hàng bình ổn giá của thành phố. Nhưng phải nói thật là hầu như rất ít mặt hàng có giá bán thấp hơn bên ngoài, mà giá thường bằng hoặc cao hơn thị trường tự do. Hơn nữa, hàng bình ổn thường chủ yếu bán trong siêu thị, ít có các điểm bán ngoài chợ”.
|
Ông Đỗ Gia Phan: “Việc bán hàng bình ổn giá bộc lộ nhiều cái dở” |
Còn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Đoàn Hà Nội) có ý kiến cho rằng: “Bình ổn giá ở cửa hàng, siêu thị thì mới ở phần ngọn, chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ của thị trường. Đã vậy, có lúc giá hàng bình ổn lại cao hơn ở ngoài chợ. Hơn nữa, nguồn lực của Nhà nước là có hạn, không thể bình ổn mãi cho toàn xã hội. Phải suy nghĩ về vấn đề này để người dân được thực sự thụ hưởng lợi ích từ Quỹ bình ổn giá”.
Về vấn đề này, trao đổi với PLVN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng hoan nghênh chủ trương bình ổn giá của UBND TP. Hà Nội, tuy nhiên cũng bày tỏ băn khoăn: “Câu hỏi đặt ra là chủ trương đúng nhưng có đi vào cuộc sống hay không? giá cả những mặt hàng thiết yếu có ổn định không? số tiền mà Hà Nội ứng ra (hơn 470 tỷ) có thực sự giúp người tiêu dùng giảm bớt khó khăn trong cơn bão giá hay là làm lợi cho doanh nghiệp? Đặc biệt, khi giá cả thị trường có biến động thì giá các mặt hàng thiết yếu tham gia chương trình bình ổn giá có thấp hơn 10% so với giá thị trường mà các doanh nghiệp đã cam kết?....”
Độ minh bạch chưa rõ ràng
Nhiều ý kiến cho rằng, đã kinh doanh thì phải kiếm lời. Nếu các doanh nghiệp được thành phố cấp vốn để bán hàng bình ổn giá mà không có lợi thì chả hơi đâu người ta lại nhận việc để rồi “ôm rơm cho nặng bụng”. “Bản thân các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá đã có có nguồn vốn tạm ứng để dự trữ và bán hàng bình ổn giá (do thành phố cấp). Có nghĩa là đầu vào của họ ở thời điểm giá chưa biến động. Vậy đầu ra không có lý do gì để tăng lên trong khi nguồn vốn dự trữ hàng không phải trả lãi suất” - ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Đồng tình với quan điểm của người kế nhiệm, ông Đỗ Gia Phan, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thẳng thắn: “Tôi thấy việc bình ổn giá, về ý tưởng thì rất tốt nhưng trong quá trình thực hiện thì lại bộc lộ những cái dở. Thứ nhất là độ minh bạch không rõ ràng, chẳng hạn như số tiền mà thành phố cấp cho các doanh nghiệp, họ chi tiêu như thế nào, mình không kiểm soát được một cách cụ thể. Chính bởi vậy đã có hiện tượng hàng bán trong các điểm bình ổn giá có giá bán cao hơn bên ngoài. Qua thực tế bán hàng bình ổn giá thời gian vừa rồi, tôi thấy chưa đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân”.
Vân Anh