Ban hành văn bản: Có tiến bộ, nhưng vẫn nợ một nửa

(PLO) - Bộ Tư pháp vừa có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2014, nhiệm vụ năm 2015. 
Chính phủ họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật
Theo số liệu được thống kê từ báo cáo này, năm 2014 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ ban hành được 106/206 văn bản, đạt 51,46%.
Từ “nợ đọng” đã trở thành quen thuộc
Trên cơ sở báo cáo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và kết quả rà soát,  Bộ Tư pháp cho biết, trong năm 2014 các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 206 văn bản quy định chi tiết, gồm: 87 nghị định, quyết định và 119 thông tư, thông tư liên tịch. 
Kết quả, từ ngày 1/1 đến ngày 27/12/2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành được 48/87 văn bản, gồm 42 nghị định, 6 quyết định, đạt 55,17%; số chưa ban hành là 39/87 văn bản, chiếm 44,83%, trong đó có 6 nghị định ở trong tình trạng “nợ đọng”.
Cũng trong thời gian này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành được 58/119 văn bản, gồm 55 thông tư, 3 thông tư liên tịch, đạt 48,74%; số chưa ban hành là 61/119 văn bản, chiếm 51,26%, trong đó có 10 thông tư, 2 thông tư liên tịch đã ở trong tình trạng “nợ đọng”. 
Như vậy, trong năm 2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ ban hành được 106/206 văn bản, đạt 51,46%; số chưa ban hành là 100/206 văn bản, chiếm 48,54%, trong đó có 18 văn bản ở trong tình trạng “nợ đọng”.
Đứng đầu bảng danh sách các Bộ, ngành có nhiều văn bản còn nợ là Bộ Tài nguyên và Môi trường với 51 văn bản cần ban hành nhưng có tới 29 văn bản chưa được ban hành. Đứng thứ hai là Bộ Y tế với 15 văn bản cần ban hành thì có tới 11 văn bản chưa được ban hành. Tiếp theo, Bộ Xây dựng có 9/10 văn bản chưa được ban hành; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 8/10 văn bản chưa được ban hành. Bộ Quốc phòng cũng “không kém” khi có 16 văn bản cần ban hành thì có tới 8 văn bản chưa được ban hành…
Bộ Giao thông Vận tải được xem là “gương mặt” gương mẫu trong số các Bộ, ngành khi có 9 văn bản cần ban hành thì đã ban hành đủ cả 9 văn bản, không nợ văn bản nào. Ngân hàng Nhà nước có 8 văn bản cần ban hành cũng đã ban hành đủ 8 văn bản. Bộ Công Thương có 3 văn bản cần ban hành cũng đã ban hành đủ 3 văn bản, không có nợ đọng. 
Không có văn bản trái pháp luật 
Tuy số lượng văn bản còn nợ là khá lớn nhưng theo đánh giá của Bộ Tư pháp, trong năm 2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Chất lượng văn bản ngày càng được nâng lên, cơ bản bảo đảm các yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản. 
Trong số các văn bản quy định chi tiết đã ban hành trong năm 2014 thì không có văn bản nào có nội dung trái pháp luật hoặc không khả thi, gây bức xúc dư luận. Tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết nhanh hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh. 
Một số văn bản quy định chi tiết đã được ban hành kịp thời để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, chẳng hạn các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, một số văn bản quy định chi tiết Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. 
Có thời điểm số lượng văn bản “nợ đọng” đã giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay, được Quốc hội ghi nhận tại các Kỳ họp thứ 7 và thứ 8 (cuối tháng 12/2014 chỉ nợ 18 văn bản). 
Tuy vậy, Bộ Tư pháp cũng cho biết, trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản, còn có nhiều văn bản phải điều chỉnh về tiến độ soạn thảo, thời hạn trình, ban hành, đặc biệt là có một số văn bản phải điều chỉnh nhiều lần; tình trạng văn bản quy định chi tiết được ban hành không có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh còn diễn ra phổ biến. 
Một số văn bản chất lượng chưa cao, có nội dung thiếu tính khả thi hoặc chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, mới được ban hành nhưng đã có nội dung cần được sửa đổi, bổ sung như một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. 
Đáng lưu ý là tình trạng “nợ đọng” tuy đã giảm đáng kể, xuống chỉ còn 18 văn bản, nhưng lại còn tới 82 văn bản quy định chi tiết thi hành 12 luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015 chưa được ban hành. Kết quả này chưa đạt chỉ tiêu cam kết của Chính phủ trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8 là “phấn đấu đến ngày 31/12/2014 hoàn thành việc ban hành các văn bản “nợ đọng” và ban hành cơ bản xong các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành các luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015” nên dự báo sang tháng 1/2015, số văn bản “nợ đọng” sẽ tăng lên rất lớn (khoảng 100 văn bản so với 71 văn bản nợ đọng đầu năm 2014). 
Nhiệm vụ trước mắt rất nặng nề
Theo dự báo của Bộ Tư pháp, trong năm 2015, nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết của các Bộ, cơ quan ngang Bộ là rất nặng. Cụ thể, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có nhiệm vụ chỉnh lý, hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 100 văn bản chưa ban hành, trong đó có 39 văn bản (35 nghị định, 04 quyết định) thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng có nhiệm vụ xây dựng và thực hiện các kế hoạch triển khai thi hành 18 luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8; đồng thời xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền trên 100 văn bản (dự kiến khoảng 42 nghị định, 06 quyết định và 60 thông tư, thông tư liên tịch) quy định chi tiết 18 luật bảo đảm chất lượng, tiến độ, có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật để tổ chức triển khai thi hành đồng bộ, thống nhất. 
Mặt khác, các Bộ, ngành cũng phải chuẩn bị tổ chức thi hành và xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (dự kiến 11 dự án). Bên cạnh đó, vẫn phải tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng của văn bản; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, văn bản không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, không bảo đảm tính khả thi, không phù hợp với thực tiễn gây bức xúc dư luận. 
Những nhiệm vụ nặng nề này không phải là bài toán khó đối với các Bộ, ngành bởi tất cả các văn bản cần phải ban hành đều đã có trong kế hoạch, dự trù công tác. Tuy nhiên, nó đòi hỏi một sự nỗ lực rất lớn và tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan chủ trì soạn thảo và các đơn vị phối hợp trong việc giữ chữ “tín” với nhân dân, hạn chế thấp nhất tình trạng luật mãi “treo” vì mòn mỏi chờ văn bản hướng dẫn thi hành. 
Từ ngày 1/1 đến tháng 12/2014, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra 65 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh (gồm 59 thông tư, 06 thông tư liên tịch) được các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành từ ngày 26/12/2013 đến ngày 17/10/2014. 
Qua kiểm tra, phát hiện 07 văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp với pháp luật, trong đó có 01 văn bản sai về nội dung (Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam), còn lại 06 văn bản có sai sót về thể thức và không ảnh hưởng đến nội dung cũng như đối tượng áp dụng của văn bản. 
Đối với Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước, ngay sau khi phát hiện có dấu hiệu sai về nội dung, Bộ Tư pháp đã  họp, trao đổi trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước và đã thống nhất về phương án xử lý theo quy định của pháp luật. 
Đối với 06 văn bản sai sót về thể thức, Bộ Tư pháp đã trao đổi, thông báo tại các cuộc họp, hội nghị tập huấn về công tác kiểm tra văn bản để cơ quan ban hành văn bản được biết, tự kiểm tra, rút kinh nghiệm.

Đọc thêm