Băn khoăn bỏ quy định cấm hát nhép

(PLVN) - Mới đây Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 144 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thay thế cho Nghị định 79 kể từ ngày 1/2/2021 được đánh giá có nhiều điểm mới, tiến bộ so với nghị định cũ. 
Chi Pu nhiều lần bị cư dân mạng chỉ trích vì hát nhép.
Chi Pu nhiều lần bị cư dân mạng chỉ trích vì hát nhép.

Tuy nhiên, một điểm trong Nghị định mới là không còn cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn như ở Nghị định 79. Như thế, việc “hát nhép, đàn nhái” trên sân khấu được cho phép, đồng nghĩa với việc nghệ sĩ được quyền thoải mái “đàn nhái, hát nhép” khi biểu diễn trước công chúng.

Từ trước đến nay, năng lực của nghệ sĩ phần nào thể hiện ở cách họ xử lý tác phẩm nghệ thuật trên sân khấu, trước công chúng. Có những nghệ sĩ trẻ hát thu âm, làm MV rất hay, nhưng đến khi hát trực tiếp trước khán giả thì bị đuối giọng, mất hơi, không xử lý tốt được bài hát.

Ngược lại, những nghệ sĩ có nội lực khi đứng trước công chúng càng hát “máu lửa”, vững vàng, thể hiện rõ bản lĩnh của mình. Công chúng phần nào dựa vào đó để “thẩm định” năng lực nghệ sĩ cũng như phân biệt được đâu là giọng hát chất lượng thực sự.

Nhiều người cho rằng, quy định mới trong nghị định sẽ “cởi trói” cho những nghệ sĩ không có giọng khỏe, tốt, khiến họ tự tin và “khỏe” hơn trên sân khấu khi lựa chọn cách hát nhép. Nhiều trường hợp có ngoại hình và “chiêu trò” nhưng lâu nay không bước chân được vào làng nhạc vì không có chất giọng tốt, nay có thể nhờ hát nhép mà khoác áo ca sĩ đứng trên sân khấu biểu diễn.

Điều khiến một bộ phận khán giả lo lắng là làm sao phân biệt được đâu là giọng hát chất lượng thật sự, khi nghệ sĩ được chọn cách hát có bản ghi âm sẵn để tiện cho mình, nâng cao chất lượng phần biểu diễn?

Ca sĩ vốn là nghề được coi là “hái ra tiền” nên đã có không ít cuộc lấn sân của các nghệ sĩ ngành nghề khác bước sang ca hát. Có trường hợp lấn sân bị “ném đá” vì lộ chất giọng kém như Chi Pu, hotgirl Nhã Tiên... Với quy định mới, nhiều người lo lắng sắp tới sẽ có hàng loạt cuộc lấn sân của những người chỉ “biết hát” từ các lĩnh vực nghệ thuật khác.

Cạnh đó là mối lo bất công cho những nghệ sĩ nội lực thực thụ. Dù một giọng hát “thật”, hát trực tiếp trên sân khấu bằng đam mê, bằng nỗ lực và danh dự của nghề, liệu có thể “mượt”, không chút vấp váp như những nghệ sĩ chỉ “đứng diễn” trên bài hát đã thu sẵn, xử lý mượt mà? Liệu rồi, điều đó có thể khiến nhiều nghệ sĩ chân chính nản lòng, chọn con đường dễ hơn? Và thiệt thòi lại là khán giả?

Đọc thêm