Nhiều ý kiến trái chiều
Trong sự việc liên quan tới nữ ca sĩ Bích Phương, nhiều người trong giới âm nhạc đã bày tỏ quan điểm riêng. Có thể thấy hai luồng ý kiến rõ rệt.
Đơn cử, nhạc sĩ Thanh Tâm cho rằng dù là hát nhép hay hát đè lên nền nhạc đã thu âm sẵn đều là “sự thiếu trung thực trước mặt khán giả”. Ca sĩ Hiền Anh – giải nhì Sao Mai 2007 khẳng định “giới thanh nhạc chỉ có hát sống và hát chết, hát live và hát nhép”.
Anh Phan Lê Trung Tín - Chủ kênh Youtube “Hẻm Radio” cũng đồng tình “hát đè chính là hát nhép”. Theo đó, nhiều khán giả bất bình “chúng tôi mất tiền không phải để nghe hát đè”, “nhép hay đè cũng là lừa khán giả”…
Ca sĩ Duy Mạnh (trái) cho rằng bây giờ hầu hết ca sĩ đi biểu diễn với nhạc beat thu sẵn |
Ngược lại, nhiều ca sĩ như Sĩ Luân, Khắc Việt, Thanh Hà... đã lên tiếng bênh vực Bích Phương và cho rằng việc nữ ca sĩ sử dụng bản thu sẵn rồi hát theo trong một số đoạn điệp khúc chỉ là 1 thủ thuật nhằm có màn trình diễn hoàn hảo hơn.
Trong khi đó, luồng ý kiến từ khán giả ủng hộ ca sĩ Bích Phương cùng chung nhận định “có những trường hợp cần phải hát nhép để đảm bảo chất lượng chương trình”, “hát nhép không hoàn toàn xấu, nếu khán giả chấp nhận điều này”, hiện tượng này rất phổ biến trong biểu diễn âm nhạc Hàn Quốc (Kpop) hiện nay.
Đáng nói, trong trường hợp của nữ ca sĩ này, các chuyên gia đánh giá cô đã sử dụng bản thu âm trước (tiếng Anh là “playback”) có giọng nền (còn gọi là “backing-vocal”). Trên thế giới, việc sử dụng “playback” và “backing-vocal” trong khi người biểu diễn nhép môi theo điệu nhạc không hề hiếm gặp.
Tại Mỹ, nữ ca sĩ Beyonce từng hát nhép khi biểu diễn Quốc ca trong buổi nhậm chức của tổng thống Obama |
Kỹ thuật này đã được sử dụng ở Việt Nam trong vài năm gần đây, đặc biệt khi nhạc dance – thể loại nhạc có tiết tấu mạnh, thường đi kèm với vũ đạo – trở nên thịnh hành. Theo đó, sử dụng “backing-vocal” sẽ giúp ca sĩ vừa nhảy vừa hát mà vẫn giữ được độ dày của giọng và bảo đảm màn biểu diễn không bị hụt hơi.
Ngay cả những ngôi sao lớn trên thế giới cũng từng ít nhất một lần dính tới nghi vấn hát nhép. Trong buổi biểu diễn live của “công chúa nhạc pop” người Mỹ Britney Spear vào năm 2017 tại Băng Cốc (Thái Lan), cô đã bị dư luận chỉ trích vì đã “hát nhép nguyên show”.
Nữ ca sĩ đáp trả: “Do phải tập trung vào vũ đạo nên tôi đã dùng thêm bản thu sẵn; vì vậy giọng của tôi lẫn cùng nhạc thu sẵn mà thôi”. Nữ ca sĩ Beyoncé cũng từng sử dụng bản thu sẵn khi trình diễn Quốc ca trong lễ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama năm 2013 “vì không được kiểm tra âm thanh trước nên không muốn mạo hiểm”.
Tại Hàn Quốc, hàng loạt ban nhạc nổi tiếng sử dụng kỹ thuật hát đè nhằm tập trung nhiều vào màn vũ đạo và trình diễn hoàn hảo |
Còn tại Hàn Quốc – cái “lò đào tạo” của hàng loạt ca sĩ, thần tượng nổi tiếng, việc sử dụng kỹ thuật hát đè trở nên phổ biến, nhằm giúp các nghệ sĩ tập trung nhiều vào màn vũ đạo và trình diễn thật hoành tráng và hoàn hảo.
Trong một bài phỏng vấn vào năm 2006, ông Lee Soo Man – người sáng lập SM Entertainment – đã đưa ra một tuyên bố gây sốc rằng “hát nhép cũng là một dòng nhạc”. Ông khẳng định hát nhép và những màn vũ đạo phức tạp, bắt mắt chính là chìa khóa để âm nhạc Hàn Quốc thống trị Châu Á.
Bên cạnh đó, pháp luật nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản... quy định cấm hát nhép, hát đè |
Năm 2015, nam ca sĩ người Mỹ Adam Levine biểu diễn ở Hàn Quốc từng bị người hâm mộ xứ sở kim chi chỉ trích vì không hát nhép để màn biểu diễn hoàn hảo hơn, “đãi ngộ khán giả với màn biểu diễn dưới trung bình”. Được biết, do có vấn đề về sức khoẻ, nam ca sĩ đã không duy trì được phong độ, tất cả những nốt cao vốn là “thương hiệu” của anh đều trở thành thảm hoạ.
Đạo đức người nghệ sĩ
Từ đó cho thấy, việc hát đè, hát nhép tuy còn nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận những lợi ích mà nó mang lại. Sử dụng kỹ thuật này giúp người biểu diễn không bị hát chênh, phô hoặc hụt hơi khi vừa hát vừa thực hiện vũ đạo.
Đồng thời, ca sĩ có thể giữ sức, giữ giọng khi phải tham gia biểu diễn liên tục trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng. Thậm chí, khi nói về bản thu sẵn, âm nhạc Hàn Quốc đưa ra hai thuật ngữ cơ bản: MR (bản thu chỉ có tiếng nhạc cụ, giọng nền chỉ dùng cho những phần hát cần có hiệu ứng âm thanh đặc biệt hay đơn giản chỉ là phần hát ca sĩ không thể thực hiện cùng lúc khi lên nốt cao) và AR (bản thu với đầy đủ nhạc cụ và giọng hát, các ca sĩ chỉ cần mấp máy môi theo). Đây chính là cách gọi khác của việc hát đè, hát nhép gây xôn xao dư luận vừa qua.
Quả thực, trong làng giải trí Việt, Bích Phương không phải trường hợp đầu tiên bị phát hiện sử dụng bản thu âm sẵn. Trước đó, sự cố khiến khán giá phát hiện ra điều này từng xảy ra với nhiều ca sĩ khác, đơn cử một số tên tuổi như ca sĩ Thuỷ Tiên, Thu Thuỷ, Bùi Anh Tuấn…
Pháp luật Việt Nam về biểu diễn không cho phép “sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ độc diễn”. Quy định này của luật pháp nhằm ngăn ngừa sự gian dối của các nghệ sĩ trước khán giả.
Tuy vậy, trong một số trường hợp bất khả kháng, ví dụ như nghệ sĩ bị ốm hoặc hệ thống âm thanh không đảm bảo, các ca sĩ có được sử dụng bản thu âm sẵn để hỗ trợ giọng hát của mình hay không, hay họ buộc phải huỷ show vì những lý do trên. Điều này cũng gợi nên nhiều suy ngẫm khi soi chiếu với nhiều câu chuyện đã xảy ra trong làng giải trí thế giới.
Có đất nước cấm hát nhép (như Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc…), có đất nước lại không cấm (như Hàn Quốc, Mỹ…). Nhưng dù cấm hay không, hát nhép là một vấn đề nhạy cảm, gây tranh cãi trên mọi diễn đàn về âm nhạc trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Bởi vấn đề này còn có thể vi phạm cả đạo đức nghề nghiệp. Đó chính là thái độ làm nghề và sự tôn trọng khán giả của người nghệ sĩ. Thiết nghĩ, hát nhép, hát đè có thể không phải là “một tội ác để bị pháp luật cấm đoán” như nhiều khán giả, người trong giới âm nhạc khẳng định.
Tuy nhiên, một khi người biểu diễn đứng trên sấn khấu và lừa dối khán giả; cái “giá” đắt nhất mà họ phải trả chính là sự tẩy chay của người hâm mộ và sự dè bỉu của dư luận.