Băn khoăn hiệu quả của xe buýt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mô hình xe buýt mini nhằm gia tăng tiện ích của phương tiện công cộng vốn không mới trên thế giới. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan là hai quốc gia đã đưa vào khai thác hiệu quả xe buýt mini trong mạng lưới giao thông đô thị để giải quyết các “bài toán” về giảm ùn tắc, giảm phương tiện cá nhân, bớt ô nhiễm môi trường và khuyến khích người dân đi xe buýt.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trong một năm qua, Hà Nội đã mở thêm nhiều tuyến buýt mini để tăng cường kết nối phương tiện công cộng đến với người dân. Xe buýt mini không chỉ hoạt động ở khu vực nội thành, đi qua một số điểm du lịch, khu vui chơi nổi bật của Thủ đô, mà còn được triển khai ở khu vực ngoại thành, lộ trình qua những tuyến đường liên huyện, xã, đường đê, trung tâm các huyện. Tiêu biểu như các tuyến 123 bến xe Yên Nghĩa - Hồng Dương (Thanh Oai); tuyến 124 bến xe Yên Nghĩa - Chúc Sơn - thị trấn Kim Bài; tuyến 125 bến xe Thường Tín - Tế Tiêu...

Xe buýt mini có công suất vận tải nhỏ, khoảng 20 - 30 hành khách, có tính cơ động cao, phù hợp với đặc thù của các khu đô thị cổ tại Hà Nội là hệ thống đường ngõ ngách nhỏ xen lẫn khu dân cư.

Thời gian đầu khai thác, tuyến buýt mini thu hút khá nhiều hành khách và được đánh giá có lộ trình phù hợp, mô hình mới lạ. Tuy nhiên đến nay, xe buýt mini vẫn chưa thu hút được nhiều hành khách như mong đợi, hành khách chủ yếu là người về hưu, khách vãng lai.

Theo ý kiến chuyên gia, thực tế ở các đô thị chật hẹp, xe buýt mini dù có kích cỡ nhỏ gọn hơn xe buýt cỡ lớn nhưng để lưu thông trong các ngõ nhỏ để đón, trả khách đúng giờ thì không dễ dàng. Về yếu tố chủ quan, nhiều người dân đô thị chưa hình thành thói quen sử dụng phương tiện công cộng, vẫn ưu tiên phương tiện cá nhân hơn.

Về yếu tố khách quan cần phải nhắc đến vấn đề trật tự đô thị chưa được bảo đảm, vẫn để diễn ra phổ biến tình trạng họp chợ, lấn chiếm lòng đường để đỗ xe, bán hàng quán, gây cản trở giao thông. Thực trạng này cũng được UBND thành phố Hà Nội đề cập trong Quyết định số 34/2022/QĐ-UBND, ban hành ngày 10/10/2022, về tổ chức, quản lý khai thác hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Theo đó, Quyết định nêu rõ vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành trong bảo vệ hạ tầng giao thông, nhất là trong việc bảo vệ nhà chờ, điểm dừng xe buýt, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm lòng đường, đỗ xe cũng như họp chợ trái quy định, lấn chiếm hành lang giao thông.

Đến nay, mạng lưới xe buýt Thủ đô đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã; ở một số huyện ngoại thành, hầu hết các xã đều có xe buýt chạy qua. Hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt còn giúp kết nối giao thông với các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Bắc Ninh... Hệ thống xe buýt mini ra đời, góp phần nối dài mạng lưới vận tải hành khách công cộng đến gần hơn với người dân. Trong tương lai, khi một số tuyến đường sắt trên cao được đưa vào vận hành, vai trò kết nối của xe buýt mini sẽ ngày càng quan trọng hơn.

Vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao để thu hút nhiều khách đi xe buýt hơn, cũng như nhân rộng mô hình này một cách hiệu quả để thực sự có thể giảm tải được sự phổ biến của phương tiện cá nhân. Hiện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang nghiên cứu, rà soát ở các tuyến phố trung tâm, khu đô thị ưu tiên để mở thêm các tuyến mini buýt kết nối, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện. Mặt khác, nhiều góp ý cho rằng, việc triển khai xe buýt mini cần phải nghiên cứu kỹ lộ trình và phải bảo đảm giờ giấc chính xác, đồng thời nghiên cứu thói quen của hành khách để giải quyết đúng nhu cầu đi lại của họ.

Đặc biệt, việc bảo đảm hành lang giao thông thông thoáng cho xe buýt di chuyển rất quan trọng, cần sự quản lý chặt chẽ, phối hợp sâu rộng hơn từ các cơ quan chức năng, bởi nếu để tắc đường, chậm giờ thì xe buýt mini sẽ không đạt được hiệu quả.

Đọc thêm