Băn khoăn quanh đề xuất cho tư nhân làm truyền tải điện

(PLVN) - Đã có những tín hiệu cho thấy nhà đầu tư tư nhân Trung Nam có thể được bỏ vốn đầu tư đường truyền tải điện và sau đó sẽ  bàn giao miễn phí lại cho Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, xung quang đề xuất này vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sẽ báo cáo để sửa Luật

Trong Tờ trình xin phê duyệt dự án điện mặt trời của Công ty CP Xây dựng Trung Nam có “hợp phần” xây dựng đường dây truyền tải điện 500 kV nối Ninh Thuận - Bình Thuận vừa được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. 

Được biết, vài tháng trước đây, Trung Nam đã trình dự án xin đầu tư đường dây truyền tải điện 500 kV, với điều kiện được nâng công suất nhà máy điện mặt trời của họ lên gấp hơn 3 lần công suất hiện tại (từ 130MW lên 450 MW).

Thậm chí, nhà đầu tư này sẵn sàng giao lại cho Nhà nước quản lý với chi phí 0 đồng sau khi hoàn thành việc đầu tư hoặc sẵn sàng cho các dự án khác đấu nối vào đường dây truyền tải này nếu Trung Nam chưa bàn giao cho ngành Điện quản lý. 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hiện nay việc giải toả công suất và năng lực giải toả công suất phần lớn tập trung vào những vùng mà hệ thống truyền tải điện còn chưa được hoàn thiện và chưa được đảm bảo công suất.

Vì vậy, trong thời gian tới đây, về giải pháp dài hạn, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu và báo cáo với Chính phủ để báo cáo với Quốc hội cho phép sửa đổi một số nội dung trong Luật Đầu tư  và Luật Điện lực, từ đó  có thể có cơ chế mới cho phép đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư của xã hội vào phát triển hệ thống lưới truyền tải, cụ thể là các đường dây 500 kV. 

Còn giải pháp ngắn hạn trước mắt, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chính là việc cho phép Trung Nam được đầu tư đường dây truyền tải 500 kV như “một hợp phần” của dự án điện mặt trời. Bộ trưởng cho biết, Bộ đã thẩm định và báo cáo với Chính phủ về  vấn đề này.

Nhiều ý kiến băn khoăn

Tuy nhiên, về dự kiến giải pháp nói trên, một số ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương vội vàng đưa ra phương án này trong khi chưa có sự chắc chắn. Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) đặt vấn đề, trong tình thế hiện nay, việc thực hiện cơ chế cho phép tư nhân tham gia đầu tư hệ thống truyền tải “có đúng theo quy định hiện hành”?.

Còn đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng: “Tôi chưa biết Chính phủ đồng ý hay không việc đưa đường dây 500kV vào như một hợp phần của dự án điện mặt trời nhưng đề nghị Bộ trưởng hết sức cân nhắc khi nêu quan điểm này. Bởi vì nó trái với quy định của Luật Điện lực, pháp luật về đầu tư và pháp luật về đấu thầu”, Đại biểu Mai nói 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, hiện nay nhu cầu đầu tư phát triển nguồn, lưới điện rất lớn. Sơ bộ đánh giá, từ nay đến năm 2030 cần tổng số vốn đầu tư khoảng 130 tỷ USD, trung bình khoảng 12 tỷ USD/năm. Trong đó khoảng 9 tỷ USD cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ USD đầu tư cho lưới điện, điều này thực sự gây rất nhiều khó khăn khi thu xếp vốn. 

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, việc giải tỏa công suất nguồn điện tái tạo ở nhiều địa phương hiện nay còn rất khó khăn do việc đầu tư đường dây tải điện chậm hơn so với việc đầu tư nguồn điện và đang thiếu đồng bộ. 

Trước lo ngại về dự kiến phương án cho tư nhân tham gia đầu tư đường dây truyền tải, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Luật Điện lực có quy định “Nhà nước độc quyền về truyền tải điện” nhưng độc quyền ở đây không có nghĩa độc quyền cả về đầu tư. Vì thế, có thể hiểu là chỉ độc quyền quản lý, độc quyền để làm sao không ai có thể can thiệp vào việc truyển tải nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo điện cho nền kinh tế và điện sinh hoạt của người dân.

Trao đổi với PLVN, một chuyên gia trong ngành Điện cho biết, theo Luật điện lực, Nhà nước độc quyền hoạt động truyền tải thì phải hiểu độc quyền từ đầu tư đến quản lý vận hành vì hiện nay, Nhà nước quy định giá truyền tải chỉ 103 đồng/kWh. Khi tư nhân tham gia đầu tư, với mong muốn dự án sớm hoàn vốn, do đó phí truyền tải sẽ không thể rẻ như hiện nay. Và dù tư nhân có làm đường dây truyền tải thì chi phí cũng tính hết vào giá điện trong khi hiện nay Nhà nước vẫn điều tiết giá điện.

Ngoài ra, chuyên gia còn lo ngại về cơ chế kiểm soát tiến độ, chất lượng dự án của nhà đầu tư tư nhân. Thậm chí việc đấu nối từ các dự án khác vào đường dây này sẽ thực hiện ra sao trong thời điểm chưa chuyển giao cho Nhà nước quản lý?  

Đọc thêm