Mức phí cố định: nên giữ hay không?
Dự thảo quy định mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp gồm mức phí cố định cộng với phí biến đổi. Trong đó, phí cố định được là 2 triệu đồng/năm còn phí biến đổi phụ thuộc vào khối lượng và mức độ độc hại của chất thải.
Theo nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi tổng hợp ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp, quy định này sẽ dẫn đến việc một số cơ sở sản xuất (quy định tại Điều 2.2 của Dự thảo) dù không xả bất kỳ một giọt nước thải nào ra môi trường cũng phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Khoản 2 Điều 148 Luật Bảo vệ môi trường quy định mức phí bảo vệ môi trường được quy định dựa trên 3 cơ sở: khối lượng chất thải, quy mô tác động đến môi trường; mức độ độc hại của chất thải; sức chịu tải của môi trường.
“Các tiêu chí này chỉ phù hợp với phần phí biến đổi, mà không phù hợp với phần phí cố định. Phần chi phí cố định không phản ánh bất kỳ một tác động nào đến môi trường. Nói cách khác, việc đưa phần phí cố định vào công thức tính tại dự thảo này là không phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường” – VCCI viết trong văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính.
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị bỏ phần phí cố định ra khỏi tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
Mức phí biến đổi: tính trên cơ sở nào?
Theo quy định tại Dự thảo, mức phí biến đổi được tính dựa trên khối lượng và loại chất ô nhiễm trong chất thải. “Điều này sẽ dẫn đến hệ quả là một doanh nghiệp sẽ vẫn phải nộp phí bảo vệ môi trường kể cả khi họ xử lý nước thải đến mức sạch như chất lượng nước uống dành cho người, bởi trong nước uống vẫn có một lượng nhất định các chất gây ô nhiễm dù hàm lượng rất nhỏ ở mức cho phép” – các chuyên gia nhận định.
Trong việc quản lý chất lượng nước, có hai loại quy chuẩn là quy chuẩn nước mặt và quy chuẩn nước thải. Quy chuẩn nước mặt được coi là phản ánh ngưỡng an toàn tự nhiên của chất lượng môi trường xung quanh. Nếu nước thải của một doanh nghiệp có chất lượng tốt hơn quy chuẩn nước mặt tức là nước thải này không gây tác động xấu đến môi trường nơi tiếp nhận.
Ví dụ, một doanh nghiệp xả thải ra một con sông ở khu vực B2. Nước thải của doanh nghiệp có chất lượng hoàn toàn tương đương với chất lượng nước của con sông đó thì không thể gây ô nhiễm cho nước sông và không nên tính phí trong trường hợp này. Tuy nhiên, theo quy định của dự thảo, giả sử với lưu lượng nước thải 1000m3/ngày thì doanh nghiệp vẫn phải nộp phí ở mức 171,55 triệu đồng mỗi năm.
Do đó, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, cần nghiên cứu điều chỉnh công thức tính mức phí biến đổi trong đó cho phép trừ đi khối lượng các thông số tính phí tương ứng với các thông số này tại quy chuẩn nước mặt. Theo đó, nếu một doanh nghiệp xử lý nước thải tốt, đạt quy chuẩn nước mặt thì sẽ không phải nộp phí bảo vệ môi trường. Còn nếu chất lượng nước thải của doanh nghiệp có thông số ô nhiễm vượt quá chất lượng nước mặt thì sẽ phải chịu phí trên phần vượt quá này.
Hơn nữa, quy định này sẽ khiến số tiền phí bảo vệ môi trường phải nộp phụ thuộc vào địa điểm xả thải. Doanh nghiệp ở khu vực B2 sẽ phải nộp số tiền thấp hơn doanh nghiệp ở khu vực A1 dù có chất lượng và khối lượng nước thải giống hệt nhau. Điều này sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy tại những nơi ít nhạy cảm về môi trường, có sức chịu tải tốt hơn, phù hợp với điểm c khoản 2 Điều 148 Luật Bảo vệ môi trường. Theo tính toán, nếu cơ sở có lưu lượng nước thải 1000m3/ngày thì sẽ tiết kiệm được 137,24 triệu đồng mỗi năm nếu xây dựng ở khu vực B2 thay vì khu vực A1.
Trong khi đó, đối với những cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải công nghiệp thấp (dưới 20m3/ngày) thì không cần thiết phải tiến hành đo chất lượng nước thải mà chỉ cần thu phí theo lưu lượng nước thải tương ứng với các mức tại Điều 6.2.d của Dự thảo.