Theo giới thiệu trên Cổng thông tin điện tử Lâm Đồng, ngay từ 1942, khi thiết kế đồ án quy hoạch Đà Lạt, một kiến trúc sư có thẩm quyền khi đó đã khoanh vùng Đồi Cù như một khu vực “bất khả xâm phạm” nhằm tạo một tầm nhìn thoáng đãng cho TP. Về sau, một kiến trúc sư đã thiết kế, biến địa điểm này thành một sân golf (dân gian gọi là sân cù) 9 lỗ với một câu lạc bộ (CLB) đầy đủ tiện nghi nổi tiếng vùng Đông Nam Á.
Về tên gọi Đồi Cù, có hai cách lý giải. Có người cho rằng những quả đồi thoai thoải nơi đây khi nhìn từ xa giống như lưng của những con cừu khổng lồ nên ví von Đồi Cù; cũng có người giải thích vì nơi đây là địa điểm chơi golf hay còn gọi đánh cù, nên tên gọi Đồi Cù từ đó mà có.
Cùng với sự phát triển của TP du lịch Đà Lạt, sân golf Đồi Cù với vẻ đẹp mộng mơ, nằm ngay giữa trung tâm TP, được đánh giá là sân golf 18 lỗ lý tưởng bậc nhất cả nước, là điểm đến của nhiều golfer trong và ngoài nước. Đồi Cù là một tài nguyên sinh thái - du lịch - kinh tế, có giá trị, vai trò không nhỏ trong quá trình phát triển của TP Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Thế nhưng nhiều tháng qua, Đồi Cù rơi vào một sự việc liên quan pháp lý khá rắc rối và cách giải quyết đến nay vẫn chưa dứt điểm. Trên Đồi Cù, một DN xây dựng toà nhà CLB golf. Hoạt động xây dựng được cấp phép, nhưng chủ đầu tư “cầm đèn chạy trước ô tô” khi chỉ mới được chấp thuận về mặt chủ trương; nhưng đã xây thêm các khối công trình khác sai phép, không phép… Thực hiện đúng quy định pháp luật, các động thái quyết liệt được cơ quan thẩm quyền đưa ra, nhằm cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm.
Tuy nhiên mới đây nhất, khi cơ quan chức năng đưa lực lượng đến cưỡng chế thì phải dừng lại; bởi nhà đầu tư đưa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp của toà án, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng công trình để giải quyết việc kiện tụng giữa một số nhà thầu khi xây dựng.
Có ý kiến nhìn nhận diễn biến này là bình thường, nằm trong quy trình thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định khi giải quyết khiếu kiện. Nhưng cũng có ý kiến không loại trừ đây là động thái sắp xếp nhằm trì hoãn việc tháo dỡ công trình vi phạm. Có ý kiến khẳng định việc tháo dỡ là cần thiết bởi bất kỳ ai làm sai quy định đều phải bị xử lý theo pháp luật. Song cũng có ý kiến cho rằng cần xem xét lại quyết định tháo dỡ, vì lãng phí tiền bạc xã hội, chưa kể phải chi hàng chục tỷ đồng cho việc cưỡng chế, phục hồi hiện trạng…
Bất kể vụ việc ở Đồi Cù có diễn biến theo chiều hướng nào, thì một trong những thiệt hại lớn nhất đã xảy ra, đó là tài nguyên sinh thái - du lịch - kinh tế Đồi Cù đã bị ảnh hưởng. Để tránh những sự việc tương tự, các chủ đầu tư cần rút ra bài học, cần nghiên cứu áp dụng đúng các quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng trước khi thực hiện các dự án. Về phía địa phương, công tác thanh, kiểm tra phát hiện vi phạm xây dựng cũng phải được làm chặt chẽ, đừng để đến khi các công trình vi phạm “mọc” lên thì mới vào cuộc xử lý.