Đua nhau... bán lỗ
Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM có lượng cung vượt cầu, việc tìm kiếm một căn hộ phù hợp có lẽ không quá khó. Tuy nhiên, người có nhu cầu mua nhà cần cẩn trọng với các lời mời chào “cần tiền bán gấp”, “bán lỗ” đăng nhan nhản trên các website giao dịch BĐS, bởi đằng sau đó là những rủi ro khó lường.
Lướt qua một vài website chuyên giao dịch bất động sản, người mua nhà có thể thấy rất nhiều thông tin rao bán lỗ căn hộ, thậm chí người rao còn khẳng định giá bán thấp hơn so với giá chủ đầu tư đưa ra ở thời điểm hiện tại hàng trăm triệu đồng. Như trên website batdongsan.com.vn có tin rao: “Cơ hội sở hữu căn hộ đẳng cấp Gateway Thảo Điền, 1 phòng ngủ, rẻ hơn giá chủ đầu tư 450 triệu”.
Trong vai người mua nhà, chúng tôi liên hệ với P, người đăng tin rao bán căn hộ nói trên, thì được anh cho biết, căn hộ muốn bán ở tầng 27, đã thanh toán 25% giá trị hợp đồng và đang kẹt tiền nên muốn nhượng lại với giá 2,65 tỷ đồng. Để minh chứng mức giá “ưu đãi” mình chào bán, P. còn cho hay, với các căn từ tầng 24 – 30 cùng block, chủ đầu tư đưa ra giá bán dao động từ 2,9 – 3,4 tỷ đồng/căn.
Cũng với dự án Gateway Thảo Điền, trên website canho.com.vn cũng có tin rao “Bán lỗ gấp căn hộ cao cấp Gateway đẹp nhất Thảo Điền 2 phòng ngủ, tầng 34 căn góc, diện tích102m2, giá 4,8 tỷ”. Anh K, người đăng tin giải thích, giá này là đã lỗ so với giá chủ đầu tư bán hiện nay bởi dự án đã mở bán nhiều đợt và qua mỗi đợt như vậy giá lại nhích dần lên.
Theo một nhân viên môi giới bất động sản có kinh nghiệm, với việc ngày càng nhiều dự án được tung ra thị trường có mức giá đa dạng, cộng với sự quay lại của nhà đầu tư thứ cấp, chuyện bán lỗ ở một số dự án có vị trí tốt vào thời điểm này là điều không bình thường.
Với dự án Gateway Thảo Điền (Phường Thảo Điền, Quận 2) do Công ty Cổ phần BĐS Sơn Kim làm chủ đầu tư, đa số các trường hợp rao bán khi được hỏi đều nói lý do kẹt tiền, chuyển công tác hay cắt lỗ nên cần bán gấp. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là dự án liên quan đến vụ kiện tụng đất đai kéo dài nhiều năm qua giữa người dân và chính quyền địa phương trong việc thu hồi đất nhưng chưa được giải quyết rốt ráo.
Trên một kênh thông tin mua bán nhà đất, chúng tôi thấy tin rao bán căn hộ dự án Gia Phú trên đường Lê Văn Chí, Quận Thủ Đức: “Cần tiền bán gấp căn hộ diện tích 79m2, đã thanh toán cho chủ đầu tư 900 triệu, nay bán 600 triệu… miễn trung gian”. Theo lời rao này, người bán đã lỗ sâu tới 300 triệu đồng.
Qua tìm hiểu được biết, đây là dự án đang khiến hàng trăm người mua rơi vào hoàn cảnh “tiền mất tật mang” vì chủ đầu tư bị tố bán một căn hộ cho nhiều người. Vụ việc trở nên ầm ĩ khi nhiều khách hàng nhiều lần căng băng rôn đòi nhà, thậm chí cầu cứu cơ quan điều tra để làm rõ hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của chủ đầu tư, là Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú.
Gần đây, người mua căn hộ tại dự án Petro Vietnam Landmark (tọa lạc tại Phường An Phú, Quận 2; do Công ty Cổ phần BĐS Xây lắp dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư) cũng rơi vào tình cảnh khốn khổ khi dự án mang tiếng “xây hoài chưa thấy xong”. Cách đây khoảng 6 năm, chủ đầu tư bắt đầu rao bán căn hộ Petro Vietnam Landmark với giá bình quân 23,8 triệu đồng/m2. Tọa lạc tại vị trí gần trung tâm thành phố nên dự án này nhận được sự quan tâm của không ít người mua. Thế nhưng, đến nửa cuối năm 2011, giá bán căn hộ ở dự án này bất ngờ “rớt giá”, còn 15,5 triệu đồng/m2.
Hàng trăm khách hàng ký hợp đồng đã đóng tiền theo tiến độ thi công, trong đó nhiều trường hợp đóng hơn 70% nhưng sau khi hoàn thành phần thô chủ đầu tư đột nhiên ngừng thi công. Dự án “đắp chiếu” trong thời gian dài khiến người mua rơi vào cảnh tiền mất nhưng chờ mãi vẫn không thấy nhà đâu…
Giữa tháng 2/2016, một số khách hàng nhận được thông báo yêu cầu đóng tiền để chủ đầu tư tái khởi động dự án. Thế nhưng lại kèm theo điều kiện nếu quá 15 ngày khách hàng không đóng tiền thì sẽ bị chủ đầu tư đơn phương chấm dứt hợp đồng. Nhiều người bức xúc trước cách hành xử coi thường khách hàng của chủ đầu tư Petro Vietnam Landmark mà không biết kêu ai?
Cẩn trọng dự án “khuyết tật”
Theo một nhà đầu tư BĐS lâu năm, ngoài những trường hợp khách hàng bán lỗ vì khó khăn tài chính, nhiều người rao bán lỗ nhưng thực chất là có lời. Bởi sau nhiều đợt mở bán, giá chủ đầu tư đưa ra ở thời điểm hiện tại đã đội lên đáng kể so với đợt bán đầu tiên, nhất là với các dự án tốt. Do mức giá này thấp hơn giá chủ đầu tư nên rao là lỗ.
Bên cạnh đó, không ít người muốn “bỏ của chạy lấy người” vì trót mua phải dự án lùm xùm về pháp lý hay chủ đầu tư khó khăn tài chính ngưng xây dựng, thậm chí nhiều trường hợp “dính quả lừa” của chủ đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, trong bối cảnh thị trường giá BĐS đang có xu hướng tăng từ 5% – 10% như hiện nay thì việc bán lỗ căn hộ thường rơi vào những dự án có “khuyết tật”. Dự án xuống giá thì chắc chắn sẽ có trục trặc về một số vấn đề như pháp lý, tiến độ thi công hay “sức khỏe” của chủ đầu tư.
Cũng theo ông Đực, bên cạnh khoảng 200 dự án đang hoạt động tốt thì vẫn còn đó không ít dự án gặp khó khăn vì chủ đầu tư bị rút giấy phép đầu tư, thu hồi dự án…
“Người mua cần thận trọng trong vấn đề chọn mua, phải đến tận nơi xem dự án có thi công đúng tiến độ đã cam kết hay không? Pháp lý có rõ ràng chưa? Chủ đầu tư có uy tín không? Có như vậy mới giảm thiểu được những rủi ro khi mua nhà”, ông Đực đưa ra lời khuyên.
Theo báo cáo về tình hình thị trường BĐS quý 1/2016 của Hiệp hội BĐS TP.HCM, toàn thành phố hiện có 1.219 dự án với quy mô 4.921 ha, 315.506 căn nhà. Trong đó, có 549 dự án đã hoàn thành (chiếm 45%) với 78.140 căn nhà; 584 dự án đang triển khai đầu tư (chiếm 48%), gồm 353 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư; 231 dự án đã khởi công xây dựng, trong đó có 51 dự án đang ngưng thi công với quy mô 28.312 căn; và có đến 86 dự án hết hạn công nhận chủ đầu tư (chiếm 7%).
Như vậy, có đến 137 dự án tạm ngưng thi công hoặc hết hạn công nhận chủ đầu tư, chiếm 11,2% tổng số dự án. Bên cạnh đó, còn có 52 dự án chưa thể triển khai được do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Đây cũng là phần chìm của “tảng băng” hàng tồn kho trên thị trường BĐS, rất cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án và vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội.