Bản sắc truyền thống “soi đường” thời trang Việt hội nhập

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đề cập tới việc phát triển nền văn hóa, du lịch phải gắn với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, yêu cầu hội nhập quốc tế.
 Bản sắc văn hóa giúp định hình ngành thời trang, may mặc Việt trên quốc tế.
Bản sắc văn hóa giúp định hình ngành thời trang, may mặc Việt trên quốc tế.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên đối với ngành may mặc Việt Nam, một trong những yêu cầu quan trọng là phải gìn giữ và khai thác hiệu quả những giá trị truyền thống để xây dựng được những sản phẩm có chất lượng cao, đậm đà bản sắc dân tộc.

Từ bao đời, những ngành nghề dệt may truyền thống đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của người dân Việt Nam. Đơn cử, nghề dệt thổ cẩm đã xuất hiện ở nước ta từ lâu, đến nay có khoảng 30 dân tộc vẫn lưu giữ và thực hành nghề này. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vải thổ cẩm không chỉ là một chất liệu may mặc mà còn thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của họ thông qua cách bố trí màu sắc, họa tiết…

Việc dùng vải thổ cẩm để may trang phục truyền thống, chất liệu này cũng xuất hiện trong một số bộ sưu tập trang phục hiện đại của các nhà thiết kế trong và ngoài nước, ví như Valentine Vân Nguyễn, Trung Beret, Thạch Linh, Phạm Ngọc Anh, Lý Quý Khánh, Diego Chula… và được “đi đến” nhiều quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh truyền thống dệt thổ cẩm, nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa nước ta cũng có niên đại lên tới hàng nghìn năm. Cùng với đó là các vùng địa danh nổi tiếng gắn với nghề dệt lụa như: Cổ Đô, Vạn Phúc (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Cổ Chất (Nam Định), Duy Duyên, Mã Châu (Quảng Nam), Tân Châu (An Giang)...

Dù chưa hình thành một “đế chế” về tơ lụa như Trung Quốc nhưng hàng tơ lụa thương hiệu Việt cũng được thế giới biết đến và đánh giá cao.

Ông Fei Jianming - Tổng Thư ký Hiệp hội Tơ lụa Thế giới từng đánh giá, trong số các quốc gia Đông Nam Á, ngành tơ lụa Việt Nam có nền tảng tốt nhất với những làng nghề hàng nghìn năm tuổi. Theo đó, Việt Nam xuất khẩu nhiều sợi se hơn Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời xuất nhiều tơ sống hơn Campuchia và Thái Lan.

Từ góc độ vĩ mô, ngành công nghiệp dệt, may cả nước trong những năm gần đây đã cho thấy những bước tiến tích cực, dù phải vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn bởi dịch bệnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân ngành này giai đoạn 2012 - 2020 đạt 11,8%/năm. Trong đó, một số thương hiệu may mặc đã “ghi tên” trên thị trường quốc tế như: May 10, May Việt Tiến, Dệt Kim Đông Xuân, Gấm Thái Tuấn, Áo sơ mi An Phước…

Tuy nhiên, trên thực tế, nghề dệt thổ cẩm, nghề dệt tơ, dệt lụa và những nghề may mặc truyền thống khác đều đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ mai một. Bên cạnh những nguyên nhân như không có thế hệ trẻ kế thừa, không có tài liệu ghi chép lại để lưu truyền cho đời sau, đại dịch kéo dài khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy…, người tiêu dùng trên thị trường vẫn đang “thờ ơ” với hàng may mặc truyền thống.

Là một trong những nhà thiết kế đã khai thác chất liệu thổ cẩm trong thời trang ứng dụng, Valentine Vân Nguyễn cho biết, cái khó nhất nằm ở việc đưa các màu sắc nổi bật, đặc trưng của các vùng miền vào trang phục, tức là tăng tính ứng dụng của chất liệu này trong đời sống hàng ngày. Thông thường các tông cơ bản hơn như đen, trắng, đỏ sẽ được ưu tiên sử dụng, nhưng sản phẩm thổ cẩm thường mang nhiều tông màu sắc đa dạng, sặc sỡ hơn như xanh lá, cam, cùng với các công đoạn cắt may cầu kỳ khác, do vậy, nhu cầu thị trường với sản phẩm từ chất liệu thổ cẩm ít hơn so với các sản phẩm may mặc phổ thông khác.

Lại nói, khi sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong nước và ngoài nước diễn ra mạnh mẽ, xu hướng Việt (Kinh) hóa hoặc Âu hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Hậu quả của xu hướng này là thay cho việc sử dụng các trang phục truyền thống, người Việt ngày nay, đặc biệt là các đồng bào dân tộc thiểu số, đang sử dụng nhiều trang phục hiện đại hơn trong cuộc sống hàng ngày, vải truyền thống dần ít được sử dụng hơn.

Quả thực, các ngành nghề may mặc truyền thống nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức trong bối cảnh hiện tại. Bên cạnh việc hoàn thiện những chiến lược, chính sách về mặt quản lý nhà nước, việc đưa các chất liệu dệt may truyền thống vào ứng dụng trong đời sống cũng là một mục tiêu quan trọng để thúc đẩy các nghề truyền thống này tiếp tục được giữ gìn và phát triển. Trên “đấu trường” quốc tế cạnh tranh khốc liệt, bản sắc văn hóa truyền thống chính là “chiếc la bàn” định vị cho mỗi bước đi của thời trang Việt.

Đọc thêm