Bán vàng vừa khó, vừa lo "hụt" tiền

Trên thị trường vàng Hà Nội hiện nay, việc tìm được một cửa hàng chấp nhận mua vàng của thương hiệu khác còn khó hơn tìm kim đáy bể. Ngay cả vàng SJC trước đây được sẵn lòng mua bán ở bất kỳ cửa hàng nào thì giờ cũng bị nâng lên đặt xuống.

Trên thị trường vàng Hà Nội hiện nay, việc tìm được một cửa hàng chấp nhận mua vàng của thương hiệu khác còn khó hơn tìm kim đáy bể. Ngay cả vàng SJC trước đây được sẵn lòng mua bán ở bất kỳ cửa hàng nào thì giờ cũng bị nâng lên đặt xuống.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngậm ngùi mất tiền vì vàng

Chị Nguyễn Minh Anh (Ba Đình, Hà Nội) vì có việc cần nên đem 2 miếng vàng AAA mỗi miếng một lượng và 1 miếng vàng SJC, một nhẫn SJC 2 chỉ ra cửa hàng vàng gần nhà trên phố Đội Cấn để bán. Người đứng quầy ở cửa hàng vàng nhìn thấy vàng AAA thì từ chối mua, với lý do chính các cửa hàng giao dịch vẫn còn khó.

Khi được chị Nga trình bày rằng đây cũng là thương hiệu vàng có tiếng của DNNN, người mua hàng bảo nếu chị đồng ý bán giá vàng nguyên liệu – theo lời chị Nga mức giá này rẻ hơn giá vàng SJC đang giao dịch ngoài thị trường tới 4 triệu mỗi lượng – thì họ sẽ “nể mà mua cho chị”.

Nhìn sang miếng vàng SJC, người mua hàng nâng lên đặt xuống “soi” rất kĩ sợ là vàng nhái. Còn khi chị Nga chìa chiếc nhẫn SJC 2 chỉ ra, dù chiếc nhẫn còn nguyên trong giấy bọc, người đứng quầy của cửa hàng vàng cương quyết chỉ mua chiếc nhẫn như là vàng trang sức, và với giá tương đương mua vàng nguyên liệu.

“Rõ ràng tôi mua vàng để bảo toàn tài sản, như ông bà nói là giữ của. Thế nhưng, kiểu mua bán này thì tôi mất đứt hàng chục triệu. Chưa biết bảo toàn hay sinh lời như thế nào, nhưng tôi bị bắt bí, thiệt thòi khi giao dịch”, chị Nga phàn nàn. “Không biết mấy nữa khi chỉ có ngân hàng được mua vàng miếng thì tình hình sẽ như thế nào”…

Cảm giác bế tắc với vàng “phi SJC”

Không khó để nhận thấy, các thương hiệu vàng không phải SJC đang khá nghi ngại trong việc mua bán vàng của các thương hiệu khác. Trên website của Cty vàng bạc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn AJC chỉ thể hiện giá vàng miếng AAA, không có giá những loại vàng khác như PNJ, rồng Thăng Long hay SJC. Các cửa hàng của PNJ cũng chỉ thu mua và bán vàng miếng Phượng Hoàng do mình sản xuất cùng với SJC..

Mặc dù đại diện các công ty đều khẳng định không có chủ trương “ngăn sông cấm chợ”, không từ chối mua lại vàng miếng của các thương hiệu khác mà luôn tạo điều kiện tốt để khách hàng có thể giao dịch, nhưng trên thực tế, các giao dịch viên là những người mà khách hàng trực tiếp tiếp xúc, lại luôn tỏ ra thận trọng trong việc mua lại vàng miếng của các thương hiệu khác.

Việc các thương hiệu có e dè ít nhiều trong việc mua bán vàng miếng của thương hiệu khác, theo một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh vàng, là điều hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh này. Hiện nay, khi chỉ duy nhất SJC được phép dập đúc vàng miếng, thì những thương hiệu vàng khác như Bảo Tín Minh Châu, AJC, SBJ hay PNJ… phải ưu tiên lo thu xếp giao dịch cho lượng vàng miếng của chính thương hiệu của mình đang còn lưu hành trên thị trường.

Một quan chức của Ngân hàng Nhà nước đã từng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến thị trường vàng nghiêng lệch về SJC là do dư luận hiểu sai rằng Ngân hàng Nhà nước chỉ cho lưu thông vàng SJC.

Vị này khẳng định, Ngân hàng Nhà nước công nhận tất cả các thương hiệu vàng, nhưng các mác vàng khác không được dập nữa mà chỉ có SJC đang thực hiện gia công cho Ngân hàng Nhà nước dưới thương hiệu SJC.

Việc chuyển đổi từ vàng thương hiệu khác sang SJC là quyền của người sở hữu, Nhà nước không bắt buộc. Tuy nhiên, việc SJC trở thành thương hiệu quốc gia và việc mua bán vàng SJC thuận lợi hơn nhiều, đảm bảo hơn nhiều chính là lý do tác động tâm lý mạnh mẽ khiến cho người dân phải bán tháo vàng miếng các thương hiệu khác để đổi sang vàng SJC.

Bách Linh

Đọc thêm