Địa chỉ tin cậy giúp địa phương và doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ FTA

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam (Vietnam FTA Portal, gọi tắt là Cổng FTAP tại địa chỉ fta.gov.vn) là một công cụ tra cứu các cam kết về Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thông tin liên quan một cách thông minh, tiên tiến, có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA .
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương).
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương).

Sự ra đời của Cổng FTAP gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi các FTA một cách hiệu quả nhất thông qua các tính năng quan trọng.

Mục tiêu FTAP lấy doanh nghiệp và người dân làm trọng tâm để thực hiện các mục tiêu chính là nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi các FTA của Việt Nam, từ đó đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong hệ thống thương mại toàn cầu; hiện thực hóa và tận dụng tối đa lợi ích của các FTA; đảm bảo hiệu suất và hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giải thích của cơ quan nhà nước tới doanh nghiệp và người dân về các cam kết của Việt Nam trong các FTA.

Ngày 23/12/2020, Bộ Công Thương đã phối hợp khai trương Cổng thông tin điện tử về FTA của Việt Nam. Tính đến nay, sau 4 năm đưa vào hoạt động, Cổng FTAP đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp, ngành hàng, địa phương trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do.

Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, trong quá trình xây dựng và triển khai Cổng thông tin Hiệp định thương mại tự do (FTAP), Bộ Công Thương đã nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, Ngân hàng Thế giới, và các Bộ ngành liên quan. Sau khi báo cáo Chính phủ, Cổng FTAP đã chính thức ra mắt với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, đại diện Đại sứ quán Australia và Ngân hàng Thế giới.

Mục tiêu chính của Cổng FTAP là trở thành một nền tảng "tất cả trong một", nơi cung cấp mọi thông tin liên quan đến FTA dành cho doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý. Khác biệt với các cổng thông tin thông thường, FTAP tích hợp các công cụ tìm kiếm thông minh và hướng dẫn trực tuyến, hỗ trợ người dùng dễ dàng truy cập thông tin chi tiết.

Thông qua Cổng FTAP, doanh nghiệp có thể nhập mã HS của mặt hàng xuất khẩu và nhận được hướng dẫn chi tiết về thuế suất trong từng Hiệp định, như CPTPP, EVFTA, hoặc các FTA trong khuôn khổ ASEAN. Đồng thời, Cổng FTAP cũng cung cấp thông tin về quy tắc xuất xứ, quy định nhập khẩu, và các yêu cầu liên quan đến thị trường mục tiêu. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể nhanh chóng nắm bắt thông tin đầy đủ mà không cần tìm kiếm ở nhiều nguồn khác nhau.

FTAP còn tổng hợp các văn bản pháp luật, cam kết của Việt Nam và các nước đối tác trong từng FTA, các chương trình xúc tiến thương mại, phòng vệ thương mại, cùng với số liệu thống kê về xuất khẩu, đầu tư. Cổng cũng kết nối với các hệ thống thông tin khác của cơ quan quản lý để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng.

Cũng theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, từ khi ra mắt, Cổng FTAP đã ghi nhận gần 500.000 lượt truy cập, với trung bình 10.000 lượt truy cập mỗi tháng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương kỳ vọng số lượng này sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn thông qua các hoạt động truyền thông và bổ sung thông tin mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý.

Với những giá trị vượt trội, FTAP được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ tin cậy, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các cơ hội từ FTA, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo những báo cáo từ các tỉnh, thành, bộ ngành và khảo sát gần đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số lượng doanh nghiệp hiểu biết cơ bản về các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đạt trên 80%. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% doanh nghiệp thực sự nắm rõ cách tận dụng hiệu quả các FTA – một con số dù đã cải thiện so với 3-4 năm trước, nhưng vẫn cần được nâng cao hơn nữa.

Việc hiểu sâu về FTA là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các hiệp định này. Tuy nhiên, qua các buổi hội thảo, tọa đàm và tập huấn, nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng nội dung truyền tải từ các cơ quan quản lý chưa thực sự sát với nhu cầu thực tế của họ. Do đó, các chương trình tuyên truyền cần được điều chỉnh để đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của doanh nghiệp, từ nội dung đến cách thức thực hiện.

Cổng thông tin FTAP được xây dựng với mục tiêu giải quyết khoảng cách này. Khác với các hội thảo hoặc tọa đàm trực tiếp - vốn phụ thuộc vào thời gian và địa điểm cố định, FTAP cho phép doanh nghiệp truy cập thông tin mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, cổng cung cấp tính năng tương tác trực tiếp, cho phép doanh nghiệp đặt câu hỏi và nhận phản hồi từ các chuyên gia của bộ, ngành liên quan một cách chi tiết và kịp thời.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, FTAP chỉ là một trong nhiều biện pháp cần triển khai để nâng cao hiệu quả tận dụng FTA. Khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế vẫn tồn tại, nhưng điều quan trọng là phải xác định đúng hướng và kiên trì thực hiện. Với sự quyết tâm và đồng lòng, khoảng cách này sẽ dần được thu hẹp, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát huy tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại.

FTAP không chỉ tập trung vào một lĩnh vực cụ thể mà hướng đến phục vụ đa dạng ngành nghề. Việc tích hợp thế mạnh từ nhiều nguồn khác nhau vào một nền tảng chung đòi hỏi rất nhiều nguồn lực, từ tài chính đến nhân lực. Đặc biệt, đội ngũ vận hành phải đảm bảo cập nhật thông tin liên tục, xử lý nội dung, và thiết kế giao diện thân thiện. Trong bối cảnh nhân sự còn hạn chế, chúng tôi ý thức rằng vẫn cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng.

Kể từ khi FTAP ra mắt gần 4 năm trước, đến nay các hoạt động truyền thông mới được triển khai. Lý do là chúng tôi muốn đảm bảo thông tin cung cấp trên cổng đã đầy đủ và hoàn thiện nhất trước khi tiếp cận rộng rãi. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh truyền thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông khác, giúp nhiều doanh nghiệp biết đến FTAP hơn. Khi lượng người dùng tăng, chúng tôi kỳ vọng sẽ nhận được thêm nhiều phản hồi thực tế từ các doanh nghiệp, từ đó cải thiện cổng thông tin một cách toàn diện hơn.

Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả truyền thông liên quan đến các hiệp định thương mại tự do (FTA) là sự phối hợp chặt chẽ từ cả hai phía: Cơ quan quản lý và đối tượng nhận thông tin.

Trước hết, phía cơ quan quản lý cần liên tục cải thiện nội dung và hình thức truyền thông. Thông tin phải được cập nhật chính xác, đầy đủ, dễ hiểu, và sát với nhu cầu thực tế của địa phương, doanh nghiệp. Hình thức truyền thông cũng cần đa dạng hóa, không chỉ gói gọn trong các văn bản mà còn cần sử dụng hình ảnh, video, clip ngắn, hoặc các câu chuyện tương tác để tạo sự gần gũi và hấp dẫn hơn. Điều này đòi hỏi các cơ quan phải nâng cao năng lực, tối ưu hóa chất lượng thông tin cung cấp.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cũng cho biết, về phía doanh nghiệp và địa phương – những người tiếp nhận thông tin – cũng cần có sự chủ động hơn. Việc tham gia các buổi tọa đàm, hội nghị hoặc hội thảo cần được thực hiện với tinh thần cầu thị, xác định rõ nhu cầu để thông tin được truyền tải đến đúng người, đúng việc. Khi cả hai phía phối hợp tốt, kết quả thu được sẽ rõ ràng hơn và mang lại hiệu quả thiết thực hơn.

Ngoài ra, những buổi tọa đàm, hội thảo mang tính tương tác sâu sắc cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý lắng nghe và tiếp nhận ý kiến từ phía doanh nghiệp. Thực tế, những ý kiến đóng góp đa chiều thường giúp tạo ra nhiều sáng kiến có giá trị mà một cá nhân hay một cơ quan khó lòng nghĩ ra được. Khi ý kiến từ một nhóm nhỏ được triển khai và mở rộng, ví dụ từ 3 người đến 30 hay 300 người, cơ hội cải tiến sẽ tăng lên đáng kể.

Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ gửi văn bản kêu gọi sự hợp tác từ các hiệp hội, địa phương, và doanh nghiệp nhằm lan tỏa thông tin về cổng thông tin FTA. Mục tiêu không chỉ là tăng mức độ nhận diện, mà còn là lắng nghe các đề xuất, kiến nghị để cải thiện chất lượng và tính hiệu quả của cổng thông tin này.