Bằng mọi cách không được để thiếu điện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tình hình cung cấp điện cho mùa nắng nóng 2023 được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi các mực nước hồ thủy điện về rất thấp, cùng với đó, khí hậu có nhiều diễn biến cực đoan. Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị liên quan bằng mọi cách không được để thiếu điện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo bảo đảm điện mùa nắng nóng tại cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo bảo đảm điện mùa nắng nóng tại cuộc họp cuối tuần qua.

Khẩn trương huy động các nguồn điện đã sẵn sàng phát điện

Trong cuộc họp về bảo đảm điện cho mùa nắng nóng diễn ra cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các đơn vị (bao gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và 2 tổng công ty than) phải nghiêm túc thực hiện kế hoạch cung cấp điện và cung cấp than phục vụ cho phát điện, mục tiêu cao nhất là bảo đảm cung cấp điện cho đất nước. Bằng mọi cách không được để thiếu than, thiếu nhiên liệu phục vụ cho sản xuất điện.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu EVN tập trung mọi nỗ lực trong vận hành hệ thống điện, có giải pháp cấp bách, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hệ thống điện quốc gia phải được bảo đảm, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu thiết yếu của đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân. Cùng với việc tích cực, chủ động khắc phục các nguyên nhân khách quan do thời tiết, khí hậu, Bộ trưởng lưu ý các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện các giải pháp điều hành hiệu quả. “Lãnh đạo Bộ sẽ nghiêm túc xem xét, xử lý các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm nếu để xảy ra thiếu điện do nguyên nhân chủ quan” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời yêu cầu EVN khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện đã sẵn sàng phát điện, trong đó có các nhà máy năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp nhằm tăng công suất cho hệ thống điện; Đẩy nhanh việc mua bán điện với các dự án nhập khẩu điện đã ký kết. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán để huy động nguồn NLTT đối với các doanh nghiệp đã đủ điều kiện thời gian qua.

Ngoài ra, cần thực hiện ngay việc phát động phong trào tiết kiệm điện trong toàn ngành, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và các khách hàng sử dụng điện lớn cùng chung tay tiết kiệm điện. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đây cần phải được coi là một giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, đẩy mạnh truyền thông hơn nữa về việc tiết kiệm điện, nhất là với các khách hàng sử dụng điện lớn.

EVN và các đơn vị liên quan cũng cần phải có giải pháp chủ động, linh hoạt, thực hiện nghiêm túc qui định trong khai thác, huy động nguồn nước trong các hồ chứa; bảo đảm sử dụng khai thác thủy điện hiệu quả trong bối cảnh thiếu nước cho thủy điện.

Đối với Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam và 2 tổng công ty than, Bộ trưởng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với EVN và các vị có liên quan về việc cung cấp khí, cung cấp than cho các nhà máy điện theo đúng Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023 và hợp đồng mua bán khí, hợp đồng mua bán than đã ký giữa các bên, xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng phù hợp, tăng cường khai thác, nhập khẩu không để xảy ra việc thiếu khí, thiếu than cho sản xuất điện.

Các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo cung cấp điện, hướng dẫn các đơn vị chuẩn bị phát điện hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khẩn trương đưa vào vận hành.

Tiết kiệm điện tối đa

Trước đó, EVN đã phát đi thông cáo cho biết, tình hình thủy văn các hồ thủy điện trong vài tháng trở lại đây có nhiều diễn biến bất lợi, thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm. Nhiều hồ thủy điện trên cả nước có nước về kém, lưu lượng nước về 4 tháng đầu năm của các hồ thủy điện phía Bắc bằng khoảng 60 - 70% so với trung bình nhiều năm, nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam cũng có nước về kém.

Hiện sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch, thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, tháng 6 và tháng 7) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600MW đến 4.900MW.

Trong khi đó, ở Công điện về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo EVN rà soát phương án sản xuất điện trong bối cảnh xảy ra thiếu nước tại các hồ thủy điện để có phương án chủ động bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; Tăng cường sử dụng các nguồn điện khác, ưu tiên nước hồ thủy điện dành cho phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Trước tình hình này, EVN cũng như Bộ Công Thương đã liên tục đưa ra các khuyến cáo mong muốn khách hàng sử dụng điện chung tay tiết kiệm điện; Cùng với việc tuyên truyền đến nhân dân tiết kiệm điện, đặc biệt trong khung giờ cao điểm, các tổng công ty điện cũng đã có các biện pháp khuyến nghị và kêu gọi các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm tham gia điều chỉnh phụ tải (điều chỉnh giờ sản xuất phù hợp để “hạ nhiệt” cho hệ thống điện).

Đọc thêm