Băng trộm 'chổi cùn rế rách' của 3 mẹ con

(PLO) - Cả xóm làng điên đảo bởi băng trộm của ba mẹ con. Từ cái tủ lạnh, đến cái chiếu rách, băng trộm này cũng không tha...
 
 Ba bị cáo trong phiên tòa ngày 17/5/2016.
Ba bị cáo trong phiên tòa ngày 17/5/2016.

 Lấy từ cái chiếu rách đến chén ăn cơm

“Mệ nghèo lắm, nhà chẳng có chi giá trị hết. Có mỗi chiếc đầu đĩa cũ kỹ, với chiếc chiếu trúc đã bung cả dây cước, mà tụi hắn cũng lấy trộm mất. Hôm nớ mệ mới nhận được 10 ký gạo từ thiện nhà nước cấp, thêm 3 bịch bột ngọt, tụi hắn cũng lấy nốt”, một nạn nhân thở dài một tiếng nặng nề.  

Nhóm thủ phạm gây ra vụ án nêu trên không chỉ gây án với bà cụ Lé, mà trước đó còn nhiều lần khác gây án tại địa phương. Các đối tượng chỉ bị bắt sau vụ trộm vào ngày 22/9/2015. Số là chiều 21/9/2015, Nguyễn Nhật (24 tuổi, ngụ xã Vinh Hiền) đến nhà đồng phạm Võ Thị Xê (44 tuổi, ngụ xã Vinh Giang) chơi thì nhìn thấy nhà người đàn ông ở xã Vinh Hải (cùng huyện Phú Lộc,tỉnh Thừa Thiên Huế) đang chuẩn bị tổ chức đám cưới. Nhật liền nảy sinh ý định đột nhập vào nhà ông này trộm cắp. 

Để thực hiện kế hoạch, người thanh niên quyết định ăn tối và ngủ lại nhà đồng phạm tên Xê. Trước khi đi ngủ, Nhật còn dặn dò con trai bà Xê là Hà Hữu Minh Huy (17 tuổi): “12h đêm nhớ gọi anh dậy để đi lấy trộm”. 

Đến 12h đêm ấy, Huy gọi Nhật dậy rồi cả hai cùng đi “đào tường, khoét vách”. Đến nhà nạn nhân, Nhật kêu Huy đứng chờ ngoài ngõ, còn mình thì đột nhập vào nhà, lấy trộm một chiếc điện thoại. “Đạo chích” sau đó mang “chiến lợi phẩm” ra ngõ bảo đồng bọn: “Mi cầm điện thoại về trước đi”. 

Huy nghe lời, rời đi. Nhật quay lại vào nhà, đi vòng quanh từ nhà trên xuống nhà dưới như chốn không người, tìm lấy thêm 3 chiếc điện thoại nữa rồi trở về nhà đồng phạm Xê. Trong khi đó, cả nhà nạn nhân vẫn say giấc, chẳng hề hay biết kẻ trộm vừa viếng thăm.

Sáng hôm sau, Nhật mang tài sản trộm được đi tiêu thụ, lấy tiền tiêu xài, đến chiều cùng ngày thì bị bắt. Tại cơ quan điều tra, “đạo chích” còn khai nhận, từng cùng với ba mẹ con bà Xê thực hiện trót lọt 7 vụ trộm khác. Nhật tham gia 7 vụ, tổng giá trị tài sản chiếm đoạt hơn 55 triệu đồng. Hưng tham gia 4 vụ với tổng giá trị tài sản 37 triệu. Xê tham gia 3 vụ, tổng tài sản trộm cắp là 9 triệu đồng. 

Vì vậy, Nhật, Xê, Hưng bị truy tố về tội “trộm cắp tài sản”. Bị can Xê còn bị truy tố thêm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. “May mắn” cho người con trai út của bà Xê, khi thực hiện hành vi phạm tội chưa đủ 16 tuổi, phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên chưa đến mức phải xử lý hình sự, Huy chỉ bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính.

Gạo từ thiện cũng ăn cắp

7h sáng một ngày cuối tháng 5/2016, hội trường UBND xã Vinh Hải – nơi diễn ra phiên tòa lưu động xét xử vụ án trộm cắp, đã lấp đầy người dự khán. Nhiều người chậm chân, đành phải lót dép ngồi tràn ra cả ngoài sân, nghe ngóng buổi xét xử qua hệ thống loa phát thanh. 

Một cụ bà già nua cũng hối hả chống gậy đến dự khán. Đặt vội cây gậy tre cùng chiếc nón lá xuống gầm bàn, cụ bà vừa bày tỏ: “Ở trong làng lúc nớ mất trộm liên tục. Nhà nào cũng mất. Ai nấy hoang mang lắm. Phải đến khi tụi ăn trộm bị bắt hết, người ta mới không còn nghi kỵ lẫn nhau. Hôm ni đến đây, tui chỉ muốn biết vì răng tụi nó còn trẻ mà không chịu mần ăn, lại đợi người khác làm có rồi đi trộm về xài? Người chi mà xấu tính lạ đời”.

Trong số nhiều người bị hại đến tòa, cụ Huỳnh Thị Lé là già nhất. Ở tuổi ngoài 80, cụ Lé bị điếc nặng nên kể chuyện nhà, giọng cụ cứ oang oang như được phát qua hệ thống loa phát thanh của xã. Cụ kể, năm ngoái ở địa phương xảy ra vụ cướp của giết người, nạn nhân là một cụ già sống đơn chiếc. Mấy bà cụ sống một mình như cụ Lé, sợ quá nên tập trung lại ngủ chung một nhà. Ai dè nhân lúc cụ Lé đi ngủ ké, kẻ trộm liền vào nhà khuân sạch đồ đạc. 

“Mệ nghèo lắm, nhà chẳng có chi giá trị hết. Có mỗi chiếc đầu đĩa cũ kỹ, với chiếc chiếu trúc đã bung cả dây cước, mà tụi hắn cũng lấy trộm mất. Chiếc đầu đĩa nớ là con gái mệ mua cho, để mệ nghe cải lương cho đỡ buồn, chứ vô ra trong nhà một mình nhiều khi cũng rầu. Hôm nớ mệ mới nhận được 10 ký gạo từ thiện nhà nước cấp, thêm 3 bịch bột ngọt, tụi hắn cũng lấy nốt. Sáng mệ về nhà, thấy trống trơn, gạo cơm mắm muối không còn chi cả”, cụ Lé thở dài một tiếng nặng nề.

“Mệ già ri rồi, có làm chi được nữa, mà tụi hắn cũng không tha”, bà cụ gần đất xa trời than thở.

Bà Trần Thị Giác thì kể, nhà có phi lúa chừng trăm ký, để trong góc nhà, không ngờ ăn trộm cũng viếng thăm rồi khuân sạch sành sanh. Buổi chiều hôm đó, bà lấy lúa cho gà ăn, mới hoảng hốt chẳng hiểu vì sao phi lúa đầy ăm ắp giờ lại vơi đến tận đáy. 

Chưa hết hoang mang, bà Giác đi nấu cơm thì mới ngã ngửa vì nội cơm điện cũng “bay” mất. Hoảng hốt, cả nhà tủa đi kiểm tra đồ đạc, phát hiện mất thêm bức tranh thêu và 60 chiếc chén kiểu. “Tui cứ nghĩ, ăn trộm đột nhập vô nhà, thì lấy tiền lấy bạc, chứ ai đời lại hốt lúa mang đi cho nặng nề. Đến tô chén mà chúng cũng không chừa”, người phụ nữ cười mà miệng méo xẹo.

Một người bị hại khác lại bảo, nhà bà mới xui xẻo nhất. Trong nhà có cái tủ lạnh là có giá nhất, không ngờ lại rơi vô tầm ngắm của nhóm “đạo chích”. Hôm đó cả nhà đi vắng, cửa đóng then cài, chắc mẩm chẳng ai dại vào khuân cái tủ lạnh cồng kềnh, nặng nề ấy ra khỏi nhà. Vậy mà nhà bà mất tủ lạnh thật. Còn mất thêm nồi cơm điện, bình nấu nước, hai chiếc máy quạt. Nhà bà từ ấy chịu cảnh “vườn không nhà trống” đúng nghĩa.

Cả nhà gặp nhau ở tòa

Phiên tòa bắt đầu, các bị cáo bắt đầu khai báo về nhân thân của mình. Bị cáo Xê khai, mình có hai con trai. 

Tòa hỏi: “Hà Hữu Minh Hưng con của bị cáo có phải cũng là bị cáo trong vụ án này không?”. Bị cáo Xê sượng sùng gật đầu. Cũng câu hỏi đó, tòa hỏi bị cáo Hưng: “Mẹ của bị cáo, cũng là bị cáo trong vụ án này phải không?”. Bị cáo Hưng cúi đầu, lí nhí đáp phải. “Bị cáo làm nghề gì?”. “Dạ bị cáo đang là sinh viên?”. Bị cáo có tiền án tiền sự gì chưa?”. Bị cáo Hưng khai, vừa qua có ăn trộm tại trường mình đang theo học, hiện đang bị công an TP.Huế tạm giam.

Do chưa đủ tuổi, nên em trai bị cáo Hưng “may mắn” không phải đứng trước vành móng ngựa, nhưng vẫn phải đến tòa. Huy tới tòa phải có bố “tháp tùng”. Người bố cũng chính là đại diện hợp pháp của cậu con trai đang là học sinh trung học này. 

Ngồi bên dưới khán phòng, ông Nhật cùng con trai gầy trơ xương, ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế đẩu. Hai cha con nép sát vào nhau như cố né tránh những ánh mắt tò mò của người dự khán. “Nhìn cả nhà 4 người nhà họ kìa, ai nấy gầy tong teo, trông khốn khổ quá”, một người xì xào. “Đâu phải ai gầy cũng là do cực khổ. Mà có cực khổ mấy cũng không được đi ăn trộm”, một người khác lên tiếng. 

Những lời bàn tán phía sau hẳn lọt đến tai chồng bị cáo Xê, người đàn ông đan mấy ngón tay vào nhau, mặt mày trông rất khó coi. Ông khó chịu hoặc có thể ông đang ngại ngùng về hành vi của vợ và các con mình.

Tại phiên tòa, bị cáo Xê khai do gia đình khó khăn, các vật dụng trong nhà túng thiếu, nên những thứ như nồi niêu chén bát ăn trộm về, bị cáo đều dùng để làm vật dụng xài trong gia đình. Riêng các tài sản trộm cắp khác như máy tính, tủ lạnh, lúa, thì bị cáo mua lại của bị cáo Nhật để dùng.

Tòa yêu cầu chồng bị cáo Xê đứng dậy để trả lời các câu hỏi của tòa. Ông này cho hay, mình không hề hay biết về hành vi trộm cắp của vợ. Việc vợ mua các tài sản do trộm cắp mà có, ông cũng không hay biết. 

“Mỗi lần có việc chi trong nhà cần làm, hai vợ chồng ông có bàn bạc thỏa thuận với nhau không?”, tòa hỏi. 

“Dạ nhà nghèo, xưa giờ có phải làm cái chi mô mà bàn bạc”, chồng bị cáo Xê nói.

Quá trình xét hỏi kéo dài đến gần 12h trưa mới kết thúc, HĐXX quyết định hội ý vì nhận thấy có nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Sau khoảng 15 phút hội ý, TAND huyện Phú Lộc nhận định vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và hành vi phạm tội nên quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. 

Do bị tạm giam, nên bị cáo Nhật được dẫn giải ra xe. Hai mẹ con bị cáo Xê được tại ngoại, nhanh chân hòa vào đám đông ra về. Nhìn chồng bị cáo Xê vội vã đạp xe rời khỏi phiên tòa, bỏ lại người vợ đi bộ lững thững phía sau lưng, có người còn gọi với theo: “Trưa nắng, sao không chở vợ về kẻo tội”. Nhưng bóng người đàn ông đã mất hút sau lũy tre làng.

Đọc thêm