Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2023: Vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ghi nhận các hoạt động cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa chi phí cho doanh nghiệp (DN) tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, nhiều vướng mắc được tháo gỡ, song Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2023 vừa công bố cho thấy vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần tiếp tục khơi thông.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp. (Ảnh: Thanh Thanh)
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp. (Ảnh: Thanh Thanh)

Dấu ấn của doanh nghiệp trong vận động chính sách

Tại Hội thảo công bố báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 25/4, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI đã khái quát 4 “dòng chảy” chính trong Báo cáo. Đó là: Các hoạt động cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa chi phí cho DN tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; Đã có nhiều nỗ lực để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, gây khó cho DN; Vẫn còn có một số chính sách chưa phù hợp, cần phải tiếp tục thay đổi mạnh mẽ về tư duy quản lý; Các chính sách chuyển đổi xanh đang được thúc đẩy mạnh mẽ nhưng vẫn có nhiều băn khoăn từ phía DN.

Đặc biệt, theo Chủ tịch VCCI, trong năm qua, dấu ấn của DN trong hoạt động vận động chính sách là rất rõ ràng và hiệu quả. Những ý kiến mạnh mẽ, kiên trì của DN đã tác động đến các cơ quan soạn chính sách. Những chính sách lớn trong năm qua như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt… mang dấu ấn khá lớn của cộng đồng DN.

“Cách đây một ngày, tôi đã phát biểu về dấu ấn của DN đối với Luật Đất đai 2024 tại Hội thảo lấy ý kiến các dự thảo hướng dẫn Luật Đất đai tại hội trường này. Rất nhiều ý kiến của DN đã được ghi nhận và tiếp thu, có nhiều vấn đề lớn, phức tạp, đến những phiên bản cuối cùng, ý kiến của DN cũng được cân nhắc là một trong những phương án lựa chọn. Ngay cả ý kiến lớn chưa được tiếp thu (về đất ở và đất khác), nhưng cơ quan nhà nước cũng đã cân nhắc phương án thí điểm để đánh giá…” - Chủ tịch VCCI chia sẻ.

Cần nhanh hơn, quyết liệt hơn

Câu chuyên về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) được đề cập khá nhiều trong thời gian qua. Rất nhiều DN phản ánh việc họ gặp khó khăn tuân thủ các quy định về PCCC khiến chi phí tuân thủ tăng cao, nhiều công trình không thể tiếp tục được sử dụng, gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho DN.

Theo VCCI, cơ quan này đã nhận được khá nhiều phản ánh vướng mắc liên quan đến các quy định gây tác động đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN, đặc biệt là quy chuẩn xây dựng về PCCC… Trước phản ánh của DN, cơ quan nhà nước sửa quy chuẩn xây dựng về PCCC, đề xuất sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật PCCC…

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), pháp luật PCCC đã được ban hành nhiều năm qua và không có sự thay đổi lớn trong vài năm trở lại đây.

“Vấn đề PCCC đã nổi cộm từ năm 2020, song kéo dài dai dẳng. Bộ Xây dựng lúc nào cũng bảo chúng tôi đang sửa, Bộ Công an cũng bảo chúng tôi sẽ sửa… Vậy mà gần 4 năm rồi vẫn đang trong giai đoạn dự thảo. Do đó, cần phải đẩy nhanh hơn và tôi cho rằng đây mới là điều quan trọng. Mặc dù Bộ Xây dựng, Bộ Công an cũng đã có tiếp thu, cũng có những giải pháp kịp thời, nhưng tôi nghĩ rằng tiến trình này cần phải được đẩy mạnh hơn. Đó mới là sự trông chờ nhiều hơn, kỳ vọng nhiều hơn” - bà Thảo nói.

Cũng theo đại diện CIEM, năm 2023, cơ quan này đã rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc 15 lĩnh vực quản lý nhà nước và nhận diện 9 vấn đề còn tồn tại liên quan đến ngành nghề kinh doanh.

Theo Chủ tịch VCCI, với sự vận động không ngừng của các hoạt động kinh tế, một số chính sách đã không còn phù hợp và cần phải có những thay đổi đột phá, chuyển đổi theo hướng thị trường mạnh mẽ hơn. Ông dẫn chứng, chính sách quản lý xăng dầu là một ví dụ (hiện tại Nhà nước đang can thiệp trực tiếp vào giá thành, quy định rất chặt chẽ về phương thức kinh doanh, tổ chức hệ thống phân phối, yêu cầu DN xăng đầu đầu mối phải dự trữ lưu thông, phải nhập khẩu số lượng tối thiểu; quy định số lượng đầu mối mà DN bán lẻ xăng dầu được nhập…). Hay thủ tục trong lĩnh vực quản lý giá (Nhà nước yêu cầu DN phải giải trình về lý do điều chỉnh giá khi làm thủ tục kê khai giá). “Các chính sách quản lý này đã làm giảm khá nhiều sự năng động, cạnh tranh trên thị trường và tác động khá lớn đến DN khi có những biến động trên thị trường…” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các ý kiến của DN, Hiệp hội DN tiếp tục chỉ ra các “điểm nghẽn” pháp luật kinh doanh như Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam phản ảnh về quy chế đầu tư đòi hỏi hơn 30 con dấu, như một “ma trận”; Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham) đề cập đến các quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong tái chế bao bì, sản phẩm thải bỏ để bảo vệ môi trường. Theo ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng Ban thực phẩm dinh dưỡng (Euro Cham), Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT giải quyết 3 vướng mắc về EPR, gửi kế hoạch thực hiện lên Chính phủ trước ngày 20/1/2024. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn. “Vấn đề thực thi là vô cùng quan trọng, vì luật ra nhưng chưa có hướng dẫn thì thực thi kiểu gì?” - đại diện Euro Cham đề nghị.

Đọc thêm