Báo chí và doanh nghiệp: Xây dựng quan hệ hợp tác, trách nhiệm và bền vững

(PLVN) -  Sáng 24/10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn “Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cùng Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đồng chủ trì diễn đàn.

Với chủ đề “Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí”, các đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp… đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ các vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin kinh tế, doanh nghiệp trên báo chí để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: HGiang)

Báo chí doanh nghiệp - Cầu nối cho phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, môi trường truyền thông, báo chí cũng là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Một môi trường truyền thông, báo chí lành mạnh, vừa truyền bá thông tin, kiến thức về kinh tế, về hoạt động doanh nghiệp, vừa khích lệ, động viên tinh thần kinh doanh trong xã hội là yêu cầu then chốt, là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, truyền cảm hứng kinh doanh trong xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, về doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác ảnh hưởng đến doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng với cả hai phía doanh nghiệp và báo chí. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng và xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc Diễn đàn (Ảnh: H.Giang)

“Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngay lúc này cần khơi dậy mạnh mẽ khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội và trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, thổi bùng lên khát vọng góp phần đưa nước ta bước sang “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, nắm bắt các cơ hội lịch sử đang mở ra để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Vì vậy, vai trò của báo chí, truyền thông trong việc truyền cảm hứng, khơi dậy khí thế kinh doanh là vô cùng quan trọng”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Ông Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, trong thời gian qua, báo chí có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu Việt và sản phẩm của doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, tình yêu, sự tin dùng với hàng Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nước nhà.

Báo chí cũng là kênh phản ánh những thông tin từ xã hội và người tiêu dùng trong nước với doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách kinh doanh và ra quyết định phù hợp. Ở góc độ khác, báo chí đã và đang là cầu nối hiệu quả, kịp thời cho doanh nghiệp và Nhà nước. Thông qua các thông tin phản ánh trên báo chí, các cơ quan chức năng có thêm kênh thông tin lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp một cách kịp thời, toàn diện hơn.

Không chỉ là kênh tuyên truyền chính sách mới của Nhà nước, báo chí với vai trò ghi nhận thông tin doanh nghiệp cũng ngược trở lại trở thành là tiếng nói độc lập giúp doanh nghiệp phản hồi chính sách, nói lên nguyện vọng và thực tế của mình. Với vai trò đó, báo chí đã và đang là kênh thông tin hữu hiệu cho nền kinh tế, giúp chính sách của Nhà nước theo kịp diễn biến của nền kinh tế hiệu quả hơn.

“Mối quan hệ biện chứng đa chiều trên, quan hệ báo chí và doanh nghiệp là quan hệ vừa phản biện vừa tương hỗ gắn bó”, ông Lê Quốc Minh cho biết.

Ông Lê Quốc Minh cho rằng báo chí chưa khai thác hết tiềm năng trong hỗ trợ doanh nghiệp (Ảnh: H.Giang)

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế còn tồn tại, ông Lê Quốc Minh đề cập nhiều bài báo về doanh nghiệp còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến thông tin về doanh nghiệp đến thị trường không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch.

Theo ông Lê Quốc Minh, báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền.

Trong khi đó, do có nhiều cách thức khác để tiếp cận người dùng, không ít doanh nghiệp dần xem nhẹ vai trò của báo chí, thậm chí “bỏ quên” báo chí trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu. Thực tế, nếu báo chí chính thống gặp khó khăn, bị suy yếu, chính doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Nâng cao chất lượng thông tin kinh tế trên báo chí

Trước thực tế đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, đứng trước kỷ nguyên mới của đất nước với những cơ hội và điều kiện phát triển mới, để báo chí và doanh nghiệp cùng đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, các bên cần tìm ra giải pháp để xác định lại mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp trên nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn để gia tăng kỳ vọng vào nhau.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra nhiều giải pháp xác định lại mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp (Ảnh: H.Giang)

Theo đó, báo chí và doanh nghiệp cần phối hợp để tăng cường trách nhiệm xã hội thông qua việc cùng hỗ trợ đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt, trong đó dịch vụ cung cấp thông tin cũng là dịch vụ cần đầu tư đúng mức để có các sản phẩm chất lượng cao. Hai bên phải tìm kiếm sự thiếu hụt của nhau và bù lại cho nhau những giá trị bằng những phương thức hợp tác khác, không thể chỉ là mối quan hệ “làm phiền đến nhau” hoặc “bên này nghĩ bên kia quan trọng hơn”.

Chỉ ra yêu cầu và tiêu chí đánh giá chất lượng thông tin báo chí về kinh tế, Nhà báo – Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, chất lượng thông tin kinh tế không chỉ phụ thuộc vào mức độ chính xác mà còn cần đảm bảo tính phản biện và khả năng áp dụng vào thực tiễn. Theo ông, thông tin kinh tế không nên chỉ dừng lại ở việc đưa tin về thị trường mà phải phản ánh toàn bộ chuỗi hoạt động kinh tế, từ sản xuất, phân phối, trao đổi đến tiêu dùng, bao trùm mọi lĩnh vực ở cả trong nước và quốc tế. Những chủ đề trọng tâm như thuế, lãi suất, tỷ giá, đầu tư, chuyển đổi số và các xu hướng thị trường cần được đặc biệt chú ý. Ngoài ra, ông nhấn mạnh rằng báo chí cần phản ánh không chỉ các chủ trương chính sách của Nhà nước mà còn cả những nhu cầu, nguyện vọng từ đời sống thực tế, tạo ra sự tương tác hai chiều giữa chính sách và thực tiễn.

Theo Nhà báo Nguyễn Minh Phong, việc đánh giá chất lượng thông tin báo chí có thể được thực hiện qua nhiều phương pháp như thăm dò dư luận xã hội, phỏng vấn chuyên gia hoặc khảo sát nội dung bài viết. Ông đề xuất rằng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau sẽ nâng cao độ tin cậy và đảm bảo khách quan hơn cho quá trình đánh giá.

Cho rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin báo chí, trong đó quan trọng nhất là bản lĩnh và trách nhiệm của người làm báo, ông Phong nhấn mạnh nhận thức chính trị, trách nhiệm xã hội và năng lực nghề nghiệp là những yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi nhà báo. Bên cạnh đó, sự phát triển của cơ sở vật chất và kỹ thuật báo chí cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng thông tin…

Ông Phong cho rằng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng thông tin báo chí; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ phận trong quy trình sản xuất thông tin, nâng cao năng lực quản trị tòa soạn và cải thiện cả nội dung lẫn hình thức tác phẩm báo chí. Ngoài ra, ông khuyến khích sự hợp tác giữa cơ quan báo chí, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo thông tin luôn chính xác, kịp thời và hữu ích cho cộng đồng.

Đề cập 4 thách thức trong bối cảnh kinh tế số và báo chí số mà các cơ quan báo chí, các nhà báo viết về kinh tế đối mặt, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đề xuất 4 giải pháp để nâng cao năng lực báo chí: đào tạo bài bản, mỗi cơ quan báo chí cần nhà báo kinh tế vững, có kiến thức và kỹ năng chuyên biệt; hợp tác quốc tế những tờ báo kinh tế lớn trên thế giới và Việt Nam đều mời chuyên gia nước ngoài, gửi nhà báo đào tạo ở nước ngoài; xây dựng cộng đồng, tạo môi trường chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà báo kinh tế, kết nối các nhà báo kinh tế với doanh nghiệp và đầu tư công nghệ, trang bị công cụ hiện đại hỗ trợ công việc của nhà báo.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã bấm nút khai trương giao diện mới Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; trao giải Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển môi trường kinh doanh bền vững.

Khai trương giao diện mới Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.


Đọc thêm