Báo chí vẫn là kênh thông tin uy tín, chất lượng, vững bền của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù sự lên ngôi của mạng xã hội đã làm thay đổi chiến lược thông tin, quảng bá thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp, thế nhưng báo chí vẫn giữ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp. Báo chí vẫn mãi là kênh thông tin uy tín, chất lượng, vững bền của doanh nghiệp.

Mối quan hệ tương hỗ, đồng hành

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, báo chí và doanh nghiệp đã và đang đặt mình trong những mối tương quan, hỗ trợ lẫn nhau. Báo chí không chỉ là phương tiện truyền tải thông tin, quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm của doanh nghiệp đến gần hơn với đông đảo khách hàng một cách chính thống mà còn là kênh hữu hiệu giúp doanh nghiệp nắm bắt một cách nhanh chóng phản hồi của thị trường về sản phẩm, dịch vụ để không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng cũng như góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

TS. Trần Khắc Tâm (Phó Chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI) cho biết: “Qua nhiều năm qua tham gia công tác ở Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh Sóc Trăng, tham gia VCCI, tôi nhận thấy rằng báo chí có vai trò lớn đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Báo chí giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm đến với công chúng. Tin tức trên báo chí cũng giúp doanh nghiệp nắm bắt được thông tin đa dạng, đặc biệt là thông tin thị trường trong và ngoài nước, giúp cho doanh nghiệp thêm dữ liệu để định hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Ông Trần Khắc Tâm (Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI).

Ông Trần Khắc Tâm (Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI).

Báo chí giúp cộng đồng doanh nghiệp nêu lên những kiến nghị chính sách với Nhà nước, nhằm xây dựng chính sách, pháp luật phát triển kinh tế - xã hội, giúp cộng đồng doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh. Báo chí cũng chỉ ra những việc chưa chuẩn mực, điều còn thiếu sót trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá hoạt động của mình, ngày càng hoàn thiện và phát triển doanh nghiệp trong khung khổ pháp luật”, ông Tâm nói.

Nói thêm về mối quan hệ này, Phó Chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: “Đối với sự phát triển của báo chí thì doanh nghiệp cũng có vai trò không nhỏ, các tờ báo, đài truyền hình thu hút nguồn lực tài chính không nhỏ từ hoạt động quảng bá sản phẩm, truyền thông cho các doanh nghiệp. Hoạt động của các tờ báo, đài truyền hình, đài phát thanh cũng là hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự cho và nhận luôn diễn ra trong quá trình tương tác vì một mục tiêu chung là phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh và văn minh hơn.

Cộng đồng doanh nghiệp và báo chí đâu phải là hai thế lực đối đầu. Doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Báo chí đưa tin, phân tích, bình luận các vấn đề xã hội, chính sách, kinh tế…, bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, đảm bảo công bằng xã hội”.

Ông Bùi Mạnh Thế - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn KOVA cho biết: “báo chí còn giữ vai trò cầu nối, luôn truyền tải kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó giúp các doanh nghiệp cập nhật, điều chỉnh hoạt động của mình một cách phù hợp. Ngược lại, báo chí cũng phản ánh những khó khăn, vướng mắc về chính sách, thị trường đang đối mặt để kiến giải, đề xuất với các cơ quan chức năng tháo gỡ. Có thể nói, báo chí và doanh nghiệp luôn song hành, gắn kết với nhau.

Lấy ví dụ làm rõ mối quan hệ này, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn KOVA cho biết: “Đối với Tập đoàn Sơn KOVA chúng tôi, có thể nói báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ khăng khít, luôn song hành với nhau trong mọi giai đoạn phát triển. Như Báo Pháp luật Việt Nam không chỉ giúp doanh nghiệp quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, đưa các sản phẩm sơn và chống thấm KOVA đến gần hơn với khách hàng mà còn là phối hợp với doanh nghiệp và lực lượng chức năng điều tra, làm rõ nhiều vụ việc sản xuất, buôn bán sơn giả nhãn hiệu KOVA, từ đó bảo vệ thương hiệu, uy tín cho doanh nghiệp”.

Ông Bùi Mạnh Thế - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn KOVA đang kiểm tra nhãn mác thùng sơn trong một buổi cùng phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam trong chuyến đi phát hiện lô hàng giả nhãn hiệu sơn KOVA tại thị xã Kinh Môn, Hải Dương.

Ông Bùi Mạnh Thế - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn KOVA đang kiểm tra nhãn mác thùng sơn trong một buổi cùng phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam trong chuyến đi phát hiện lô hàng giả nhãn hiệu sơn KOVA tại thị xã Kinh Môn, Hải Dương.

Mạng xã hội không thể thay thế vị thế của báo chí

Bàn về vấn đề thông tin trên mạng xã hội đang dần lấn lướt báo chí, liệu rằng báo chí có còn đóng vị trí, vai trò quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp? Phó Chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng: “Sự xuất hiện của các nền tảng xuyên quốc gia như Facebook, Google…, thì báo chí gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt ở cả hai phương diện là thông tin và doanh thu quảng cáo. Tôi được một số lãnh đạo cơ quan báo chí chia sẻ rằng hoạt động quảng cáo, truyền thông gặp khó khăn do doanh nghiệp có những lựa chọn khác. Tôi hiểu và chia sẻ với các cơ quan báo chí, bởi một khi “chiếc bánh” như vậy hoặc có to lên không đáng bao nhiêu mà phải chia ra nhiều phần hơn, cuộc cạnh tranh chia phần khốc liệt hơn thì rõ ràng là khó khăn hơn. Báo chí là lực lượng tư tưởng, văn hoá, đồng thời cũng là những đơn vị kinh doanh để duy trì hoạt động và phát triển.

Thế còn về phương diện thông tin, tôi thấy rằng với việc sử dụng các phương tiện dễ dàng như hiện nay, mỗi người cầm một chiếc điện thoại thông minh họ đều có thể đăng tải thông tin, nêu ý kiến rất nhanh và đa dạng. Có người ví rằng mỗi facebooker cũng có thể trở thành một nhà báo – công dân. Như vậy, báo chí phải cạnh tranh thông tin với mạng xã hội và thực tế cho thấy có những vụ việc thì báo chí đã đi sau mạng xã hội.

Tuy vậy, tôi tin rằng mạng xã hội không thể làm mất đi vị thế của báo chí. Mặc dù cạnh tranh khốc liệt, ảnh hưởng lớn đến hoạt động báo chí, nhưng mạng xã hội không thể thay thế báo chí. Tôi vẫn đọc báo chí hàng ngày vì ở đó là những thông tin chính thống, có phát ngôn, có kiểm chứng, nhiều vấn đề được đặt ra bài bản, thông tin nhiều chiều, đầy đủ đã được các phóng viên, biên tập viên thẩm định, sàng lọc, điều tra, phỏng vấn kỹ. Đối với hoạt động và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tôi có thể khẳng định rằng báo chí vẫn đóng vai trò rất quan trọng”.

Đồng quan điểm này, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn KOVA cũng cho rằng: “Không thể phủ nhận rằng trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, mạng xã hội đang phát triển một cách vũ bão, được xem một trong những phương thức thông tin, quảng bá thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi cho rằng báo chí vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng, không thể thay thế đối với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Nếu mạng xã hội là nơi người dùng có thể đưa ra những thông tin đa chiều, có thể chưa được kiểm chứng thì báo chí là nơi các doanh nghiệp có thể tin tưởng, gửi gắm truyền tải các thông tin chính thống đến người tiêu dùng. Và thực tế chứng minh, hiện nay báo chí đã và đang không ngừng đổi mới, sáng tạo, chuyển mình để ngày càng phù hợp với tình hình phát triển của xã hội, ứng dụng ngày một sâu rộng công nghệ thông tin vào hoạt động để giữ vững vị thế của mình”.

Cũng bàn về vấn đề này, TS. Đào Văn Hội – Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho rằng: “Sự lên ngôi của mạng xã hội đã tạo ra những biến chuyển trong cách tiếp nhận thông tin của công chúng. Những kênh thông tin phi truyền thống đã tận dụng nền tảng công nghệ xuất hiện ngày càng nhiều đã chiếm hữu tâm trí công chúng bằng thông tin. Tuy nhiên, nhiều thông tin được truyền tải qua góc nhìn cá nhân, có lúc hạn hữu, không quan tâm đến kết quả và bỏ mặc trách nhiệm của một “người đưa tin”. Còn cái chất báo chí là tính độc lập, công bằng và khách quan, mà hầu hết các nội dung cá nhân trên mạng xã hội không có. Nếu thông tin báo chí có chậm hơn mạng xã hội, nhưng đưa ra được nội dung đầy đủ, chính xác, khách quan và đa chiều, có tác dụng phản ánh chân thực nhất các vấn đề, hiện tượng xã hội thì đó mới là giá trị cốt lõi của báo chí”.

* TS. Đào Văn Hội – Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam:

“Cái chất báo chí là tính độc lập, công bằng và khách quan, mà hầu hết các nội dung cá nhân trên mạng xã hội không có. Nếu thông tin báo chí có chậm hơn mạng xã hội, nhưng đưa ra được nội dung đầy đủ, chính xác, khách quan và đa chiều, có tác dụng phản ánh chân thực nhất các vấn đề, hiện tượng xã hội thì đó mới là giá trị cốt lõi của báo chí”.

* TS. Trần Khắc Tâm (Phó Chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI):

“Thông tin báo chí là những thông tin chính thống, có phát ngôn, có kiểm chứng, nhiều vấn đề được đặt ra bài bản, thông tin nhiều chiều, đầy đủ đã được các phóng viên, biên tập viên thẩm định, sàng lọc, điều tra, phỏng vấn kỹ. Đối với hoạt động và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tôi có thể khẳng định rằng báo chí vẫn đóng vai trò rất quan trọng”.

* Bùi Mạnh Thế - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn KOVA:

“Báo chí vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng, không thể thay thế đối với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Nếu mạng xã hội là nơi người dùng có thể đưa ra những thông tin đa chiều, có thể chưa được kiểm chứng thì báo chí là nơi các doanh nghiệp có thể tin tưởng, gửi gắm truyền tải các thông tin chính thống đến người tiêu dùng”.

Đọc thêm