Vũ khí sắc bén trong sự nghiệp “phò chính, trừ tà”
Báo chí là lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của Đảng; là vũ khí sắc bén trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là một trong những kênh giám sát, phản biện đối với việc xây dựng và thực thi chính sách của các cơ quan, tổ chức nhà nước.
Phát biểu khi đến thăm và làm việc tại Hội Nhà báo Việt Nam, diễn ra vào ngày 13/6 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan báo chí, truyền thông không được né tránh những vấn đề tiêu cực, nhưng đưa tin theo hướng xây dựng, tìm ra cách khắc phục, giải quyết theo hướng nhân văn, nhân đạo, theo quy định của pháp luật để đem lại cảm xúc, niềm tin, cái nhìn và kết quả tích cực hơn cho cộng đồng.
Các cơ quan báo chí phải tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, mới xuất hiện, các “nút thắt, điểm nghẽn” đang được dư luận quan tâm, đi vào những vấn đề khó, phức tạp trong nước và quốc tế; phản ánh sinh động, khách quan, đa chiều, toàn diện, khoa học, sâu sắc và có giải pháp cho từng vấn đề. Tuyệt đối không để trống, không nhường mặt trận nóng bỏng này cho các thế lực thù địch, các tổ chức phản động chống phá trên mọi lĩnh vực truyền thông, nhất là truyền thông số, mạng xã hội.
Nhấn mạnh đến vai trò của báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”… Người yêu cầu nhà báo phải biết “vạch rõ âm mưu, chính sách và những hành động tàn bạo của địch” để có biện pháp đấu tranh cho phù hợp và hiệu quả. Người làm báo theo quan điểm của Hồ Chí Minh, trước hết là người cán bộ cách mạng, đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, sau đó mới là người làm nghề với những yêu cầu về nghiệp vụ. Do đó, “những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành,...) phải có lập trường chính trị vững chắc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi đội ngũ người làm báo phải có phương pháp khoa học trong đấu tranh với quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo Người, vì có nhiều quan điểm, ý kiến trái chiều, nên các nhà báo phải “đem các ý kiến khác nhau để so sánh kỹ, phân tích kỹ các nội dung của các tầng lớp xã hội có ý kiến đó. Tìm ra mối mâu thuẫn trong những ý kiến khác nhau đó. Xem rõ cái nào đúng, cái nào sai”.
Ngay từ khi mới thành lập nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn phải chống lại những âm mưu thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch. Gần đây, lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội, các thế lực chống đối càng gia tăng tần suất hoạt động và liên tục thay đổi hình thức “tấn công” với nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi và thâm độc. Trước tình hình này, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ của báo chí là bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; làm cho hệ tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc thấm sâu vào quần chúng nhân dân; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng…
Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết nhấn mạnh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc… Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 35-NQ/TW đặt ra là “đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao”.
Thời gian qua, nhất là trong thời điểm trước và sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các thế lực thù địch, chống đối đã liên tục đăng tải các bài viết trên mạng xã hội, cung cấp những thông tin sai lệch, xuyên tạc. Cùng với đó, các thế lực thù địch, phản động không ngừng ráo riết thực hiện các âm mưu “diễn biến hòa bình”. Một trong những âm mưu nguy hiểm ấy chính là chúng tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng - chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi xóa bỏ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thế nhưng, họ đã cố tình quên đi thành tựu vĩ đại, to lớn của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kể từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc Cách mạng Tháng 8 thành công, đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, thống nhất nước nhà, bảo vệ và phát triển đất nước ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh trong các bài viết, bài phát biểu, đặc biệt tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Gần đây, khi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) được Đảng và Nhà nước ta đẩy mạnh, xử lý hình sự không ít cán bộ cấp cao, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng…, các phần tử chống đối lại dựa vào thông tin này để vu khống Đảng ta đang thanh trừng nội bộ lẫn nhau, thành lập phe phái, bè nhóm... Trước sự xuyên tạc và vu khống trắng trợn này, các cơ quan thông tấn báo chí đã vào cuộc, đấu tranh vạch trần các âm mưu, luận điệu sai trái của thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, giúp nhân dân nhận diện rõ hành vi thâm độc, mưu đồ của những kẻ cơ hội, thù địch, từ đó tin tưởng, ủng hộ và tạo sự đồng thuận cao đối với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các bài viết đã góp phần đẩy lùi các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và tính ưu việt của chế độ XHCN.
Xây dựng đội ngũ những người làm có phẩm chất, năng lực, bản lĩnh
Để phát huy hơn nữa vai trò xung kích của báo chí trên mặt trận truyền thông, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, báo chí cần không ngừng đổi mới, vượt qua những khó khăn, thách thức để tiếp tục hoàn thành tốt trọng trách, sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Trước hết, các cơ quan báo chí cần tiếp tục làm tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, tin tưởng và làm theo. Muốn làm được điều này, các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan lãnh đạo, quản lý và Hội Nhà báo Việt Nam cần không ngừng chăm lo bồi dưỡng về tư tưởng, chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo; xây dựng đội ngũ những người làm báo có phẩm chất chính trị, tư tưởng, bản lĩnh, năng lực, trình độ chuyên môn cao để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại” như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác báo chí. Các cấp ủy Đảng tại các cơ quan báo chí cần tích cực triển khai, thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần linh hoạt hơn trong tình hình mới để từ đó sớm có định hướng, chỉ đạo kịp thời việc cung cấp thông tin cho báo chí. Đặc biệt, đẩy mạnh việc xuất bản các tin, bài trên không gian mạng để tạo hiệu ứng, lan tỏa rộng hơn những thông tin cần tuyên truyền, định hướng trong xã hội; phải phản ánh cả những mặt trái của cơ chế thị trường, đồng thời tăng cường thông tin phân tích, đưa ra các giải pháp hữu hiệu.
Đặc biệt, báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền nội dung và kết quả triển khai thực hiện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ chính trị vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam để thiết thực đóng góp vào thành công của các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045 đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Song song với đó, các cơ quan chức năng nên thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động báo chí, truyền thông, nhất là kiểm tra, giám sát quy trình thẩm định, xử lý thông tin trước khi xuất bản.
Cuộc đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn mới trên mặt trận truyền thông ngày càng khó khăn và nhiều thách thức, nhưng những người làm báo cách mạng Việt Nam luôn kiên định lập trường, vững vàng đương đầu với thử thách, qua đó góp phần bảo vệ thành công những thành quả cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.