Bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào

(PLVN) - Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thuộc top đầu thế giới nhưng an ninh lương thực chỉ ở mức trung bình. Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu “bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào”.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Sáng 18/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đồng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng cho biết Chính phủ hiện tập trung chỉ đạo chống dịch COVID-19 đang lây lan toàn cầu, với số ca nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam gia tăng. Chúng ta phải quyết ngăn chặn cho được đại dịch này nhưng cũng thực hiện nhiệm vụ kép vừa phải chống dịch tốt, vừa phải giữ ổn định đời sống nhân dân, giữ nhịp độ sản xuất và các lĩnh vực xã hội khác.

Theo báo cáo, sau 10 năm thực hiện, Đề án đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể: 12 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, trong đó đáng chú ý sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 41-43 triệu tấn); xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn)...

Việt Nam có khả năng đảm bảo tự cung lương thực với sản lượng lương thực bình quân tính trên đầu người ở mức tương đối cao (đứng thứ 6 trên thế giới).

Về 10 năm thực hiện Đề án, Thủ tướng cho rằng, nông nghiệp nói chung, đặc biệt sản xuất lương thực của nước ta đã đạt nhiều thành tựu lớn, toàn diện.
Từ một nước thiếu ăn, đến nay, bình quân lương thực đầu người của Việt Nam đã đạt 525 kg và là một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. 

Việt Nam có loại gạo được bình chọn là ngon nhất thế giới. Từ kết quả đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận về các bài học, kinh nghiệm thành công.

Tuy nhiên, Thủ tướng đề nghị các đại biểu “mạnh dạn nói về các yếu kém của nông nghiệp nói chung, đặc biệt đối với an ninh lương thực nói riêng”. 

Chẳng hạn, chúng ta xuất khẩu trong top đầu nhưng an ninh lương thực chỉ đứng thứ 57/113 quốc gia - mức trung bình. Về trồng lúa, mức sống nông dân đã khá hơn trước nhưng nhiều người vẫn còn nghèo, còn khó khăn. 

Cùng với đó, Thủ tướng đặt ra một số bài toán cần thảo luận. Cụ thể như giữ diện tích lương thực, diện tích sản xuất lúa ở mức nào để bảo đảm an ninh lương thực, phát huy hiệu quả của nông nghiệp nhiệt đới; hạ tầng nào chúng ta cần tiếp tục đầu tư trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến bảo quản làm sao khi mà thất thoát sau thu hoạch còn lớn, hiệu quả xuất khẩu như thế nào...

Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học đóng góp ý kiến về các biện pháp lớn, phạm vi quốc gia với tinh thần “bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

Trong tình hình quốc tế và biến đổi khí hậu, dịch bệnh... thì an ninh lương thực không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn là vấn đề lâu dài, chiến lược. Lương thực là mặt hàng thiết yếu, là nhu cầu ổn định trong bất cứ hoàn cảnh nào. 

Thủ tướng nhắc lại sự việc vừa qua khi xuất hiệu ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Hà Nội, “thị trường nhốn nháo, nhất là có việc người dân mua lương thực, mì tôm dự trữ” và khi đó, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo các công ty lương thực bảo đảm cung ứng, mở cửa bán lương thực đến 23h cho người dân. Trong tình huống này, “không có nguồn thì làm sao bảo đảm được”. 

Bởi thế, Thủ tướng nhấn mạnh, dự trữ lương thực, ổn định trong mọi điều kiện là rất quan trọng, đây là mặt hàng chính yếu, đừng coi thường, đừng cho đây không phải vấn đề chiến lược.

Theo Thủ tướng, chúng ta sống trong kỷ nguyên 4.0, tương tác với thế giới ảo, nhưng chúng ta không được “ảo”. An ninh lương thực luôn luôn và mãi mãi là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia. Do đó, câu nói của cha ông “phi nông bất ổn” cần được quán triệt trong tình hình mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa bền vững nên quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương không ổn định, có tình trạng "được mùa - mất giá", giải cứu nông sản.

Thể chế, cơ chế chính sách về đất đai còn bất cập, dẫn đến sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn nhỏ lẻ; chưa đáp ứng được đòi hỏi về tích tụ, tập trung ruộng đất, đang là "nút thắt" lớn nhất cho sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao của quốc tế...

Đọc thêm