Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực”, diễn ra chiều 24/11, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (Đề án).
Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án, Bộ Tư pháp đã tham mưu Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Đề án; tổ chức Hội nghị triển khai Đề án với sự tham dự của đại diện một số ban Đảng, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương; một số tổ chức xã hội - nghề nghiệp, chuyên gia pháp lý, nhà khoa học; tổ chức các Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp PBGDPL tại một số bộ, ngành, địa phương, trong đó có nội dung về việc triển khai hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật theo Đề án số 407 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan thông tin, báo chí, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ xây dựng Chương trình, nội dung truyền thông về một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có tác động lớn như: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Công chứng (sửa đổi)…
Tính đến nay có 9 bộ, ngành, 55 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, công văn hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án. Nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức các tọa đàm, diễn đàn cung cấp thông tin về chính sách được sửa đổi, bổ sung trong các đạo luật, qua đó tạo đồng thuận trong xã hội đối với nội dung dự thảo, giúp nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách theo yêu cầu của Đề án. Công tác truyền thông chưa phong phú, còn mang tính hình thức, chưa mang lại hiệu quả như mục tiêu Đề án đã đặt ra. Việc thực hiện truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật của một số cơ quan báo chí chưa được thực hiện thường xuyên, chủ động; sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực sự chặt chẽ.
Kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác truyền thông nói chung, truyền thông về dự thảo chính sách nói riêng còn rất hạn hẹp, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tự cân đối, bố trí từ kinh phí chi cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ nên chưa có đột phá về nguồn lực để thực hiện công tác truyền thông chính sách pháp luật.
Để triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể. Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại Đề án 407, nhất là việc ban hành kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách, bố trí kinh phí, con người để thực hiện hiệu quả Đề án. Phát huy vai trò của Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản QPPL với các cơ quan thông tin, báo chí trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách.
Người đứng đầu các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng pháp luật và truyền thông dự thảo chính sách. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản QPPL phải lồng ghép nội dung về truyền thông dự thảo chính sách trong Kế hoạch xây dựng văn bản QPPL hoặc ban hành Kế hoạch riêng về truyền thông chính sách pháp luật. Chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan truyền thông thực hiện Kế hoạch. Khi trình hồ sơ dự thảo văn bản cơ quan, đơn vị chủ trì phải báo cáo về việc thực hiện truyền thông dự thảo chính sách và việc nghiên cứu tiếp thu, giải trình những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm trong quá trình truyền thông.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị đưa việc đánh giá tình hình thực hiện truyền thông dự thảo chính sách là một trong các nội dung để Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi thông qua dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ này.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ truyền thông dự thảo chính sách trách, chuyên sâu bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác này. Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí riêng cho công tác truyền thông dự thảo chính sách. Đồng thời, hướng dẫn cơ chế thực hiện đặt hàng với các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông.
Đặc biệt, cần khắc phục tâm lý còn e ngại góp ý, truyền thông phản biện xã hội về dự thảo chính sách. Bảo đảm phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong xây dựng chính sách. Chính sách được nghiên cứu, ban hành không chỉ là sản phẩm của cơ quan nhà nước mà còn là trí tuệ, sáng kiến nhân dân, tránh tình trạng cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật…