Truyền thông dự thảo chính sách: Rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản

(PLVN) -Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027". Đề án được xác định là một trong những “cú hích” quan trọng để hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội được thực hiện từ sớm.

Một số chính sách quan trọng đã được truyền thông rộng rãi

Hiện nay, pháp luật đã quy định tương đối đầy đủ, hoàn thiện về việc phổ biến, thông tin, truyền thông về chính sách trong quá trình xây dựng VBQPPL. Trong những năm qua, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), các đề xuất chính sách, dự thảo VBQPPL đã được tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Việc đăng tải công khai dự thảo VBQPPL trên các Cổng/Trang thông tin điện tử để lấy ý kiến người dân đã được thực hiện theo quy định. Một số dự thảo văn bản có nội dung chính sách quan trọng đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, nhà khoa học, cán bộ quản lý, chuyên gia về lĩnh vực liên quan.

Luật PBGDPL năm 2012 cũng quy định các thông tin pháp luật phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của bộ, ngành, đoàn thể trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh), trong đó có dự thảo VBQPPL để lấy ý kiến theo quy định của pháp luật. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, trong đó xác định những thông tin phải được công khai rộng rãi bao gồm cả các dự thảo VBQPPL theo quy định của pháp luật về ban hành VBQPPL.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc lấy ý kiến đối với đề xuất chính sách, dự thảo VBQPPL còn hạn chế, bất cập, như: chưa chú trọng lấy ý kiến của người dân, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách; việc tổ chức lấy ý kiến dự thảo VBQPPL nhìn chung còn mang tính hình thức; việc tham gia góp ý dự thảo VBQPPL của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa được quan tâm đúng mức và kịp thời; một số VBQPPL sau khi ban hành mới xuất hiện ý kiến trái chiều, phản ứng chính sách từ cộng đồng xã hội...

Truyền thông từ sớm, từ xa

Để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật hiện nay, hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL được coi là giải pháp quan trọng cần được ưu tiên thực hiện. Ngày 30/3/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027".

Với Đề án này, hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội được thực hiện ngay từ khi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Đề án được triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước, áp dụng đối với các dự thảo chính sách đáp ứng 4 tiêu chí: Là các chính sách được ban hành trong các VBQPPL mà Luật Ban hành VBQPPL quy định phải lập đề nghị xây dựng VBQPPL trước khi tiến hành soạn thảo, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; Tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; Được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách; Chính sách có tác động trên phạm vi cả nước hoặc trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thời điểm truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện ngay từ khi cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng VBQPPL theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL.

Đề án quy định rõ trách nhiệm chủ động của các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo VBQPPL trong tổ chức thực hiện truyền thông dự thảo chính sách. Đồng thời cũng yêu cầu đa dạng các hình thức truyền thông dự thảo chính sách như: Xây dựng các chuyên mục, chiến dịch truyền thông, đưa tin vào khung giờ thu hút khán, thính giả để truyền thông về dự thảo chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng, đăng tải tài liệu truyền thông phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; tổ chức các hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, phỏng vấn, đối thoại trực tiếp, trực tuyến, họp báo; thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, niêm yết tại bảng tin, màn hình tại khu dân cư, lồng ghép trong các loại hình văn hóa cơ sở; thực hiện việc tích hợp, chia sẻ để đăng tải thông tin nội dung dự thảo chính sách, Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách hàng năm trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia, các ứng dụng phần mềm về PBGDPL, bảo đảm thống nhất, liên thông, cập nhật, tăng cường tương tác với người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức truyền thông thông qua các ứng dụng mạng xã hội và hình thức truyền thông phù hợp khác.

Bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL, Đề án cũng quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan như: Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án./.

Đọc thêm