Góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân
Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự án Luật được xây dựng nhằm bảo đảm người dân được tham gia BHYT theo nhóm đối tượng phù hợp, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn, cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh và khả năng chi trả của quỹ BHYT. Bên cạnh đó, dự án Luật sẽ tạo thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT.
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (QH) Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá, các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng Luật và thống nhất với 4 chính sách đã được thông qua khi đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá tác động một số nội dung chính sách thành phần của từng chính sách lớn, trong đó cần quan tâm tác động đến khả năng cân đối quỹ BHYT khi mở rộng đối tượng tham gia, mở rộng phạm vi được hưởng cho người đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT và tỷ lệ được hưởng ở một số đối tượng để bảo đảm tính khả thi, tính thuyết phục của phương án lựa chọn.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Y tế trong việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, tán thành cơ bản ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội. Lưu ý dự án Luật trình QH xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp nên chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hiện hành để giải quyết một số vấn đề vướng mắc, bất cập có tính cấp thiết, Phó Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình QH tại Kỳ họp thứ 8 đúng hạn.
Cần có chính sách tiền lương cho nhà giáo
Cùng ngày, trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Về một số chính sách trọng tâm, Thường trực Ủy ban đồng tình với việc cần trao quyền thực chất cho nhà giáo, nhưng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định quyền nhà giáo chính xác, phù hợp; quy định quyền nhà giáo đặt trong tương quan với quyền của viên chức để không ảnh hưởng tới quyền lợi nhà giáo công lập.
Riêng về chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, Thường trực Ủy ban đồng tình cần có chính sách tiền lương cho nhà giáo nhằm tạo động lực cho giáo viên an tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, việc thể chế hóa chủ trương này cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương; tránh cách hiểu sẽ có một thang, bảng lương riêng dành cho nhà giáo.
Thường trực Ủy ban cho rằng cần có chính sách hỗ trợ và chính sách thu hút nhà giáo, tuy nhiên, cần đánh giá tác động, xác định đối tượng nhà giáo được thụ hưởng, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách. Có ý kiến đề nghị cần rà soát các chính sách hỗ trợ, thu hút để tránh trùng lắp hoặc bỏ sót đối tượng; bổ sung chính sách thu hút người có học lực xuất sắc vào học ngành sư phạm, giữ sinh viên xuất sắc ở lại trường làm giảng viên đại học.
Theo Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn, việc ban hành Luật Nhà giáo cần làm rõ đặc thù chính sách dành cho nhà giáo; có phân biệt giữa nhà giáo và nhà quản lý giáo dục hay không. Chủ tịch QH đề nghị, cơ quan soạn thảo lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của cơ quan quản lý nhà nước, chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm. Việc xây dựng dự án Luật phải bảo đảm thận trọng, nhất quán, bảo đảm chất lượng, đột phá về chính sách, nhưng không phá vỡ cấu trúc của hệ thống pháp luật hiện hành.
Qua thảo luận, UBTVQH thống nhất chủ trương, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo của Chính phủ tập trung cao, tiếp thu tối đa ý kiến của UBTVQH và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; tiếp tục xin ý kiến chuyên gia, nhà quản lý để hoàn thiện dự thảo Luật trên tinh thần thận trọng, nhất quán, đột phá, thiết thực, hiệu quả và phải giải quyết được những vấn đề đang vướng mắc.