Bảo đảm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được áp dụng thống nhất, đồng bộ

(PLO) - Tình trạng cùng một hành vi nhưng có mức phạt khác nhau đã gây lúng túng cho các cơ quan có thẩm quyền xử phạt, đặc biệt là với chính quyền cơ sở… Đây là một trong những khó khăn được Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh chỉ ra sau 5 năm triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trên địa bàn.

Từ khi Luật XLVPHC có hiệu lực đến nay, theo báo cáo của Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, các sở, ngành, quận – huyện trên địa bàn đã thực hiện kiểm tra, phát hiện 3.817.088 vụ vi phạm hành chính, xử phạt đối với 3.545.993 vụ với 3.737.250 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đã thi hành xong 3.308.241 quyết định XPVPHC; tiền phạt thu được hơn 5.595.418.350.000 đồng, giá trị tang vật, phương tiện vi phạm thu được hơn 289.523.261.000 đồng.

Mặc dù đạt nhiều kết quả, song qua số liệu nêu trên cũng cho thấy còn số lượng đáng kể quyết định XPVPHC chưa thi hành, thi hành chưa xong do nguyên nhân chủ yếu như: đối tượng vi phạm không có khả năng nộp tiền phạt; đối tượng trốn tránh bằng cách đi khỏi nơi cư trú và không có thông tin gì về nơi tạm trú hoặc thường trú mới của đối tượng; đối tượng là người nhập cư; số tiền phạt lớn trong khi giá trị tang vật, phương tiện bị tạm giữ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt có giá trị thấp nên đối tượng vi phạm chấp nhận bỏ tang vật, phương tiện và không đóng tiền phạt theo quyết định xử phạt. 

Bên cạnh đó, mặc dù các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện trên địa bàn tổ chức kiểm tra thường xuyên nhưng tình hình vi phạm vẫn diễn biến phức tạp, tập trung vào các lĩnh vực an toàn, trật tự xã hội, giao thông đường bộ, môi trường vệ sinh an toàn thực phẩm…

Sau khi Luật XLVPHC có hiệu lực thi hành, mặc dù các bộ, ngành có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng văn bản hướng dẫn, tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn nhưng một số nội dung của luật chưa được hướng dẫn, một số nội dung dù có hướng dẫn nhưng chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, không bảo đảm tính khả thi. Đơn cử tình trạng cũng một hành vi nhưng có mức phạt khác nhau đã gây lúng túng cho các cơ quan có thẩm quyền xử phạt, đặc biệt là với chính quyền cơ sở là cơ quan có trách nhiệm quản lý về các vấn đề nêu trên và cũng là cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm.

Hay có tình trạng quy định hành vi vi phạm nhưng thẩm quyền xử phạt không phù hợp thực tiễn, không phù hợp quy định của pháp luật. Ví dụ hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa được quy định tại điểm d khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/CP, nhưng Nghị định lại không quy định các chức danh như Chủ tọa phiên tòa, Chánh án được xử phạt trong khi đó Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật XLVPHC lại quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh này. Bản thân Luật XLVPHC cũng có nhiều quy định chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính thống nhất.

Ngoài ra, một khó khăn nữa là trong khi yêu cầu và khối lượng công việc quản lý XLVPHC ngày càng tăng trong khi biên chế ít; trang thiết bị phục vụ công tác xử phạt chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời, điều kiện kho bãi phục vụ công tác tịch thu, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến quá tải.

TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Tư pháp quan tâm, giải quyết để giúp các ngành, địa phương tháo gỡ, bảo đảm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được áp dụng thống nhất, đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu lực,  hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn; quan tâm, làm việc với các bộ, ngành TW bảo đảm các điều kiện trang thiết bị, bảo đảm bố trí nhân sự, giữ vững ổn định về tổ chức, bộ máy để thực hiện  các nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ cho địa phương, đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm trong công tác kiểm tra, rà soát văn bản để tham mưu, xử lý kịp thời các văn bản không phù hợp, không khả thi.

Đọc thêm