Công khai thông tin, trừ bí mật nhà nước
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) bày tỏ tâm đắc về mục đích xây dựng dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, theo đó nêu rõ việc xây dựng Luật nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
Theo đại biểu, nhìn lại những vụ án tham nhũng thời gian qua thì mục đích xây dựng Luật như vậy là rất xác đáng.
Đại biểu cho rằng, nếu làm tốt việc thực hiện dân chủ ở cơ sở thì sẽ tránh được các vụ việc vi phạm phải xử lý như thời gian qua.
“Ví dụ như vụ kit test của Việt Á, nếu chúng ta thực hiện dân chủ ở cơ sở, công khai thông tin nhà nước phải mua của Việt Á một kit test với giá như thế và hải quan cũng công khai thông tin hàng tháng Việt Á đã nhập kit test từ Trung Quốc về bao nhiêu, với giá là 0,955 USD/kit test thì chắc chắn chúng ta sẽ không để cho các địa phương, các CDC các tỉnh phải mua với giá như giá Việt Á bán và sẽ không xảy ra tình trạng hàng loạt vi phạm như thời gian vừa qua. Hoặc quay trở lại vụ Hà Nội mua chế phẩm 3C để xử lý ô nhiễm nước, nếu chúng ta công bố công khai cho người dân biết rằng nước hồ này phải xử lý bằng hóa chất này, được mua ở đâu, đơn vị nào cung cấp cho TP, chắc chắn không thể kéo dài từ năm 2016 đến năm 2020 mới phát hiện ra việc này là sai phạm”, đại biểu nói.
|
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu. |
Qua các vụ việc nói trên, đại biểu cho rằng: “Nếu nhìn lại tất cả những vụ án tham nhũng, từ việc đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán đấu thầu thiết bị y tế, việc mua bán tài sản công hoặc kể cả mua bán vụ Mobifone đều giống nhau một điều là tất cả những vụ này đều thực hiện rất đúng các quy trình, có đầy đủ các cơ quan có chức năng định giá, nhiều người tham gia và có một điều cũng giống nhau nữa là không được minh bạch, không được công khai, không được thông tin để cho người dân biết”.
Từ đó, đại biểu cho rằng, nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai minh bạch để người dân biết được các thông tin, nắm được mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực công, trong các quyết định có liên quan đến người dân, đến cộng đồng, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và công tác dân chủ thì công tác quản lý nhà nước cũng sẽ được hoàn thiện và đánh giá được, tránh được những sai phạm.
Để luật khi ban hành đạt được các mục tiêu đề ra, đại biểu đề xuất 2 nội dung liên quan đến công khai và phương thức công khai.
“Về công khai, về nguyên lý như chúng ta nói rằng cứ bất kể vấn đề gì liên quan đến quản lý các nguồn lực công, liên quan đến người dân thì chúng ta cần phải công khai, trừ những vấn đề thuộc về bí mật nhà nước. Tôi đề nghị chúng ta không nên quy định trong luật này là công khai những gì mà nên thực hiện phương thức quy định theo dạng như là chọn bỏ, tức là chỉ những gì thuộc về bí mật nhà nước, thuộc về quy định cấm không thì được công khai còn lại tất cả các quyết định liên quan đến nguồn lực công, liên quan đến người dân thì đều phải thực hiện công khai”, đại biểu nêu ý kiến.
Liên quan đến phương thức thực hiện công khai, đại biểu đề nghị không nên quy định cụ thể phương án mà chỉ quy định kết quả đầu ra là tỷ lệ người được biết.
Cân nhắc mở rộng phạm vi áp dụng
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng dự thảo Luật cần tập trung vào khái niệm dân chủ ở khía cạnh quan hệ giữa chính quyền và người dân. “Bác Hồ khi nói về dân chủ cũng nói về quan hệ giữa cán bộ, công chức với người dân, đặc biệt là dân chủ trong Đảng. Nghị quyết Đảng nêu rõ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng cũng là để giải quyết tình trạng mất dân chủ trong quan hệ giữa các cơ quan nắm giữ quyền lực Nhà nước và nhân dân”, đại biểu nói.
Nhấn mạnh tình trạng mất dân chủ làm xói mòn lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, đại biểu cho rằng nếu phạm vi áp dụng của luật này mở ra quá rộng, liên quan đến những loại quan hệ đã được điều chỉnh bằng Hiến pháp và các luật khác thì sẽ có nguy cơ làm xáo trộn quan hệ xã hội đã và đang được điều chỉnh và vận hành ổn định bởi các đạo luật khác.
|
Toàn cảnh phiên họp. |
Đại biểu nêu ví dụ, quan hệ giữa người dân với nhau thì đã có Hiến pháp và Bộ luật dân sự điều chỉnh rất đầy đủ. Trong quan hệ dân sự, có những nội dung không thể giải quyết bằng nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Khi người dân tham gia quan hệ lao động, là người lao động, đã có Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn… Người sử dụng lao động và người lao động bình đẳng với nhau bằng hợp đồng lao động, nếu có vi phạm về tranh chấp thì có công đoàn, trọng tài lao động và Tòa án giải quyết…
Theo đại biểu, trong những luật hiện hành đã thiết kế để xử lý nội dung về quan hệ dân chủ ở trong đó, ví dụ như giữa giám đốc và công nhân, giữa Ban chủ nhiệm hợp tác xã và xã viên, giữa Hội đồng quản trị và các cổ đông…, nếu cần thì điều chỉnh thêm các luật đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là không phù hợp.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị thay thế cách phổ biến thông tin tới cộng đồng qua loa truyền thanh bằng cách khác để tránh gây tiếng ồn, làm ảnh hưởng sức khỏe người dân, đồng thời hiệu quả kém.