Bảo đảm quyền sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời

(PLVN) -Chương trình phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại tòa án vừa được Toà án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp ký kết mới đây sẽ bảo đảm quyền được tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời.

Hiện nay, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (các Bộ luật, luật về tố tụng) đã có nhiều quy định mới về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý (TGPL): Trách nhiệm cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ, trại giam trong việc thông báo, giải thích, hướng dẫn và bảo đảm thực hiện quyền được TGPL của đối tượng thuộc diện được TGPL; yêu cầu hoặc đề nghị Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm) cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL (người thực hiện TGPL) bào chữa cho người thuộc diện được TGPL.

Luật TGPL năm 2017 cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp, tạo điều kiện cho người được TGPL được hưởng quyền TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng.

Để triển khai cơ chế phối hợp theo quy định của Luật TGPL, Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC đã hướng dẫn cụ thể các nội dung về phối hợp TGPL trong tố tụng, đặc biệt giải thích về quyền được TGPL cho đối tượng thuộc diện TGPL; yêu cầu ra văn bản thông báo cho Trung tâm khi đối tượng có yêu cầu TGPL, ra văn bản thông tin cho Trung tâm khi đối tượng chưa có yêu cầu TGPL.

Có thể khẳng định công tác phối hợp giữa Trung tâm TGPL nhà nước với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về TGPL ngày càng chặt chẽ và đạt hiệu quả, đạt được kết quả rất đáng ghi nhận, tuy nhiên hiện còn một số vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ như: số lượng vụ việc TGPL dưới hình thức tham gia tố tụng so với số lượng người thuộc diện được TGPL và số lượng vụ án do Tòa án thụ lý, giải quyết còn thấp, do đó sẽ có khả năng bỏ sót người thuộc diện được TGPL; Số lượng vụ việc TGPL do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển gửi cho Trung tâm tại nhiều địa phương còn thấp so với số vụ việc do các cơ quan này thụ lý, giải quyết...

Để khắc phục tình trạng này, mới đây, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp đã ký kết Chương trình phối hợp về người thực hiện TGPL trực tại tòa án. Chương trình được xây dựng nhằm bảo đảm đối tượng thuộc diện TGPL trong vụ việc mà Tòa án nhân dân thụ lý được giải thích đầy đủ, bảo đảm quyền được TGPL, được tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời, giảm thiểu tối đa việc bỏ sót đối tượng; Tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm TGPL nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc TGPL cho đối tượng thuộc diện được TGPL, đặc biệt trong việc thông tin, thông báo về TGPL.

Theo văn bản ký kết, người hỗ trợ trực sẽ là chuyên viên của Trung tâm TGPL nhà nước thuộc Sở Tư pháp. Căn cứ điều kiện thực tế, Trung tâm TGPL nhà nước sẽ phân công người thực hiện TGPL trực theo thời gian nhất định (hàng ngày hoặc theo lịch linh hoạt)

Người tiến hành tố tụng, công chức TAND làm việc tại các bộ phận tiếp nhận đơn có trách nhiệm giới thiệu người thuộc diện được TGPL tới gặp người trực, thông tin, thông báo về TGPL được chuyển đến cho người trực. Người trực trực tiếp nhận nguồn tin, yêu cầu TGPL từ người tiến hành tố tụng, công chức TAND, người thuộc diện được TGPL, người thân thích của họ hoặc từ cơ quan, tổ chức khác. Người trực giải quyết vụ việc TGPL, ghi chép, thống kê vào Sổ trực TGPL (theo mẫu của Bộ Tư pháp), thực hiện các công việc khác phát sinh từ hoạt động trực. Người hỗ trợ trực giúp người trực thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của người trực.

Đối với việc trực qua điện thoại. Người tiến hành tố tụng, công chức TAND khi phát hiện người thuộc diện được TGPL thì gọi điện ngay cho người trực; cung cấp số điện thoại của người được TGPL hoặc người thân thích của họ (nếu có) cho người trực. Đồng thời, hướng dẫn người thuộc diện được TGPL đến nơi niêm yết danh sách, số điện thoại của người trực.

Người trực tiếp nhận nguồn tin, yêu cầu TGPL từ người tiến hành tố tụng, công chức TAND, từ người thuộc diện được TGPL, người thân thích của họ hoặc từ cơ quan, tổ chức khác thì liên hệ với người thuộc diện được TGPL hoặc người thân thích của họ để thực hiện các hoạt động TGPL; Người trực ghi chép, thống kê vào Sổ trực TGPL.

Chương trình người thực hiện TGPL trực tại tòa án được ký kết và triển khai thực hiện sẽ giúp bảo đảm tiếp cận và thụ hưởng TGPL kịp thời; giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và giúp quá trình tố tụng khách quan, đúng quy định của pháp luật.

Đọc thêm