Xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp, hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ đối với AI

(PLVN) -Vừa qua, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế “Những thách thức về sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo: So sánh pháp luật của quốc gia Châu Á”.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Tham dự hội thảo, về phía khách mời có Giáo sư Nguyễn Xuân Thảo - Giám đốc Trung tâm Luật Châu Á; Giáo sư Elizabeth Porter - Trường Luật, Đại học Washington; Tiến sĩ Pratyush Nath Upreti - Giám đốc chương trình - LLM Luật Sở hữu trí tuệ, Đại học Queen, Belfast (Anh); Phó Giáo sư Jie Cheng - Phó Trưởng khoa Chương trình Sau đại học, Trường Luật Peter A. Allard, Đại học British Columbia, Canada; Tiến sĩ Magdalena Łągiewska - Giám đốc Viện Khổng Tử, Đại học Gdańsk (Ba Lan); TS. Nguyễn Thị Phương Châm - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng thường trực, PGS.TS Tô Văn Hòa - Phó Hiệu trường cùng các thầy cô đại diện các khoa chuyên môn của Nhà trường.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh cho biết, sở hữu trí tuệ là một khái niệm pháp lý được xây dựng để bảo vệ các sáng tạo của con người, khuyến khích đổi mới và đầu tư. Tuy nhiên, khi AI có khả năng tạo ra những sáng tạo độc đáo, rất nhiều câu hỏi, cũng như thách thức đã được đặt ra như vấn đề xác định tác giả, việc xem xét tính mới, tính sáng tạo, khả năng thực thi quyền sở hữu trí tuệ… Rõ ràng là để trả lời cho những câu hỏi này không hề đơn giản, và nó đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại những nguyên tắc cơ bản của pháp luật sở hữu trí tuệ.

Không chỉ dừng lại ở đó, sự phát triển vượt bậc của AI, bên cạnh những thành tựu to lớn về đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, lại đồng thời phát sinh những thách thức về an ninh, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự và an ninh mạng; những thách thức về vấn đề đạo đức như quyền riêng tư, trách nhiệm pháp lý, và sự công bằng xã hội; những thách thức về nguồn nhân lực và đe dọa đối với việc làm trong xã hội…

Để giải quyết những thách thức này, chúng ta cần hoàn thiện khung pháp lí hiện hành để phù hợp với thực tiễn của kỉ nguyên AI; xây dựng các cơ chế quản lí hiệu quả để giám sát và kiểm soát việc sử dụng AI, đảm bảo rằng AI được phát triển và ứng dụng một cách có trách nhiệm và tuân thủ pháp luật. Đồng thời, việc hợp tác quốc tế là vô cùng cần thiết để xây dựng một khuôn khổ pháp lý thống nhất về sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên AI. Điều này sẽ giúp tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích đổi mới sáng tạo trên toàn cầu.

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh phát biểu tại Hội thảo.

Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Lan Anh nhấn mạnh, hội thảo là cơ hội để cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và những ý tưởng sáng tạo nhằm tìm ra những giải pháp hiệu quả cho những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt. PGS.TS Vũ Thị Lan Anh tin rằng, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp lí, với sự nỗ lực của tất cả giới trí thức toàn thế giới, chúng ta sẽ xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn thiện để bảo hộ phù hợp và hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ đối với AI, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của công nghệ này và mang lại lợi ích cho nhân loại.

Hội thảo tập trung vào các vấn đề về chung của sở hữu trí tuệ; đánh giá các thách thức mà trí tuệ nhân tạo đặt ra cho hệ thống pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ, như quyền tác giả đối với sản phẩm do AI tạo ra, bảo vệ sáng chế trong lĩnh vực công nghệ, và các vấn đề liên quan đến dự liệu; nghiên cứu và so sánh hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ giữa các quốc gia châu Á, từ đó nhận diện những điểm tương đồng và khác biệt, giúp xác định những thách thức cũng như cơ hội hợp tác trong việc điều chỉnh các quy định pháp luật và đề xuất các giải pháp, chính sách và khuyến nghị cụ thể cho việc cải thiện và cập nhật các quy định pháp luật nhằm đảm bảo bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên AI, đồng thời thúc đẩy sự phát triển sáng tạo công nghệ một cách bền vững; So sánh pháp luật của các quốc gia châu Á đối với những thách thức về sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo.

Đọc thêm