Chiều qua (23/3), Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình triển khai thi hành Luật và xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật này.
Rà soát văn bản chưa đáp ứng yêu cầu
Theo báo cáo của Vụ Pháp luật hình sự hành chính, cùng với các hoạt động triển khai theo Kế hoạch chung, có nhiều hoạt động đang triển khai như quán triệt, phổ biến nội dung của Luật và xây dựng các tài liệu; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin và các hoạt động khác như nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước về triển khai thi hành Luật, giới thiệu nội dung của Luật theo đề nghị của một số địa phương...
Riêng hoạt động tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hiện hành liên quan đến TCTT; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các VBQPPL để bảo đảm phù hợp với Điều 3 Luật TCTT thì được giao cho Cục Kiểm tra VBQPPL chủ trì. Hiện nay, Cục Kiểm tra VBQPPL đang tổng hợp các báo cáo, kiến nghị và xử lý thông tin trước khi xây dựng báo cáo rà soát trình Thủ tướng Chính phủ.
Vụ Pháp luật hình sự hành chính cũng cho biết, bên cạnh khó khăn về kinh phí, nhân lực, nhiệm vụ rà soát có gặp vướng mắc do các bộ, ngành chưa hiểu thống nhất về việc rà soát các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến TCTT khiến cho các báo cáo chuyển về Bộ Tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Vụ đề xuất Lãnh đạo Bộ quan tâm bố trí nguồn lực, đồng thời giao Văn phòng Bộ chủ trì đầu mối cung cấp thông tin của Bộ Tư pháp cho công dân; Cục CNTT phối hợp xây dựng trang thông tin điện tử về TCTT trên Cổng thông tin điện tử của Bộ; Cục Kiểm tra VBQPPL sớm hoàn thiện báo cáo rà soát pháp luật, trường hợp có vướng mắc, khó khăn cần sớm báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định, bảo đảm tuân thủ tiến độ theo Kế hoạch chung của Bộ. Cùng với đó, cần hỗ trợ tập huấn cho người làm đầu mối cung cấp thông tin tại các vùng, miền.
Báo cáo thêm về hoạt động rà soát, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Đồng Ngọc Ba cho biết, qua báo cáo của các bộ, ngành thì đã rà soát 1.153 văn bản từ luật đến thông tư. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay mới chỉ kiến nghị xử lý 13 văn bản gồm 1 Luật, 1 Pháp lệnh, 4 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng, 6 Thông tư. Theo ông Ba, người làm rà soát có thể chưa hiểu hết quy định của Luật nên có thể còn đánh giá chung, tới đây cần đẩy nhanh tuyên truyền phổ biến Luật TCTT.
Tận dụng cơ chế phát ngôn để cung cấp thông tin
Liên quan đến xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật TCTT, một trong những nội dung đáng quan tâm cần được quy định trong Dự thảo Nghị định là việc bố trí cán bộ đầu mối, nơi tiếp nhận và giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin của người dân. Điều 33 Luật TCTT quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện quyền TCTT của công dân nêu rõ: Xác định đơn vị, cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin; bố trí hợp lý nơi tiếp công dân để cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện của từng cơ quan.
Để hướng dẫn nội dung trên, Dự thảo Nghị định dự kiến quy định theo hướng ở địa phương (UBND) thực hiện bố trí đầu mối cung cấp thông tin qua bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Ở T.Ư, bộ, ngành, tùy thuộc các cơ cấu tổ chức của bộ, ngành để quy định đầu mối cung cấp thông tin qua bộ phận một cửa hoặc bộ phận tiếp dân. Dự thảo còn quy định tiêu chuẩn, điều kiện người được giao làm đầu mối cung cấp thông tin.
Tuy nhiên, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ cho rằng, trong điều kiện hiện nay chỉ nên bố trí hợp lý cán bộ kiêm nhiệm hoặc cung cấp thông tin qua cơ chế người phát ngôn hay có thể giao nhiệm vụ này cho thủ trưởng các đơn vị. Đồng thời, phải tăng cường năng lực cho người làm đầu mối cung cấp thông tin kết hợp với tăng cường công khai thông tin trên trang/cổng thông tin điện tử và các hình thức khác. Thứ trưởng Lê Tiến Châu tán thành việc cung cấp thông tin qua bộ phận một cửa, một cửa liên thông nhưng cũng nên kết hợp với cơ chế người phát ngôn.
Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu đẩy nhanh tiến độ rà soát các VBQPPL liên quan đến TCTT trong các hoạt động triển khai Luật. Đối với Dự thảo Nghị định, Bộ trưởng chỉ đạo xây dựng phù hợp với khả năng đảm bảo thực hiện của Nhà nước và người dân có thể thực hiện quyền TCTT của mình một cách thuận lợi, khả thi nhất. Bộ trưởng cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng các quy định liên quan để việc thực hiện quyền TCTT của công dân không bị trùng lặp, chồng chéo, nhất là việc cung cấp thông tin cho người dân vùng biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và để thống nhất hướng dẫn đầu mối cung cấp thông tin.