13h hôm nay, 8/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,6 độ Vĩ Bắc; 116,3 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 250km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 9/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,4 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 170km về phía Bắc Tây Bắc, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 460km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
|
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh: Phía Bắc vĩ tuyến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông.
Tính đến 6h ngày 8/11, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 tàu/243.063 người biết hướng di chuyển của bão để chủ động trú tránh. Trong đó có 112 tàu/2.818 lao động đang hoạt động, neo đậu tại khu vực nguy hiểm; 108 tàu neo đậu tại các đảo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa; 3 tàu Bình Định đang di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm; 1 tàu Bình Định (BĐ 97801) đang neo dù tại vị trí 11,450 Vĩ Bắc - 113,060 Kinh Đông. Có 123.729 lồng bè nuôi trồng thủy sản/9.566 người.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến 16h ngày 7/11 còn 1 tàu Quảng Ngãi (QNg 90575/10LĐ) chưa liên lạc được. Có 9/44 tàu đã vào khu vực đảo Philippines trú tránh; 35/44 tàu đang di chuyển vào khu vực đảo Philippines.
Theo Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại khu vực Nam Trung Bộ có 59 hồ hư hỏng và đang sửa chữa. Khu vực Tây Nguyên, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn mực nước đạt 80 -90% dung tích; 64 hồ hư hỏng và đang sửa chữa cần lưu ý.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 13h ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền với sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, tiếp đó là một vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Bắc Campuchia. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
"Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên ở khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12, giật cấp 15. Sóng biển cao từ 7-8m; biển động dữ dội. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh", Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo
Nhấn mạnh đây là cơn bão mạnh có tính chất phức tạp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chủ động các phương án ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Ông đồng thời yêu cầu cử 2 đoàn công tác xuống địa phương để chỉ đạo, phối hợp phòng chống bão số 6 theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn trên cả 3 tuyến (tuyến biển, tuyến đồng bằng và đô thị, khu vực miền núi).
"Cần chú ý việc sơ tán dân trên các lồng bè, khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Căn cứ vào tình hình thực tế các địa phương thông báo lệnh cấm biển và tổ chức cho học sinh nghỉ học", Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai lưu ý.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát tình hình hồ đập, các công trình đê trọng yếu. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan (Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) chỉ đạo việc hỗ trợ lực lượng, phương tiện cho các địa phương phục vụ công tác ứng phó với thiên tai.
Trước mắt, Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ 2 tàu cho tỉnh Bình Định để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn. Bộ Tài nguyên và Môi trưởng chỉ đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, kịp thời ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó bão số 6. Các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông kịp thời, sát thực tế tới người dân, cộng đồng để chủ động phòng tránh.
Chiều nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp để ứng phó với bão số 6. Tỉnh cũng có chỉ đạo, phối hợp với lực lượng liên quan kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn và cho học sinh nghỉ học vào ngày 11/11.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng kiến nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 5 điều động lực lượng phối hợp với tỉnh trong công tác ứng phó với bão. UBND tỉnh đã họp bàn phương án ứng phó đồng thời tổ chức di dời 1030 người dân ở các xã ven biển ra khỏi khu vực nguy hiểm, chỉ đạo thành lập các tổ, đội xung kích ứng phó với bão và cho học sinh nghỉ học vào ngày 11/11.