Báo động an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra trên cả nước. Cơ quan chức năng cũng phát hiện không ít vụ việc thực phẩm hư hỏng, ôi thiu lưu thông ngoài thị trường. Vấn đề an toàn thực phẩm cần được hết sức lưu tâm, đặc biệt khi mùa nắng nóng đến.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Gần đây, mạng xã hội liên tiếp xuất hiện những hình ảnh, thông tin phản ánh nhiều cơ sở chế biến thực phẩm làm ăn kém vệ sinh, nhiễm khuẩn. Như trường hợp của chị N.T.K, quận 6, TP HCM mua bánh mì tại một cửa hàng lề đường. Khi đang cắn bánh mì, chị K phát hiện có “vật thể lạ” rơi ra, nhìn kĩ là một ổ giòi nhỏ từ miếng giò chả. Chị K đã đăng tải hình ảnh trên lên mạng xã hội để cảnh báo vấn đề vệ sinh tại nhiều tiệm bánh mì bán lề đường, hè phố.

Tương tự, nam sinh viên T.H.B ở TP HCM khi ăn gà rán tại một cửa hàng có tiếng đã phát hiện thịt gà nhão, có mùi hôi, mặc dù bên ngoài miếng gà thơm ngon, đẹp mắt.

Một sự việc ồn ào khác liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm mới diễn ra tại Bình Dương, khi clip về món hàu nướng có giòi được đăng tải lên mạng xã hội. Một nhóm thực khách ăn hàu nướng tại quán, phát hiện nhiều giòi sống trên món ăn nên đã phản ánh với chủ quán và quay clip, đăng tải lên mạng. Ngay sau đó, Sở Y tế Bình Dương đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thành lập đoàn thanh tra kiểm tra đột xuất cơ sở để xảy ra sự việc.

Qua kiểm tra, cơ sở này xuất trình đầy đủ giấy tờ pháp lý về điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện chế biến đúng quy trình. Tuy nhiên, để xảy ra sự việc có giòi trên món ăn, chắc chắn khâu nguyên liệu đã xảy ra “vấn đề”. Sở Y tế Bình Dương đã yêu cầu cơ quan liên quan truy xuất nguồn gốc món ăn để xác định nguồn gốc hàng có đủ tính pháp lý, được bảo quản như thế nào và xử lý vụ việc sau khi có kết luận điều tra…

Không ít vụ việc như trên xảy ra đã cho thấy những “vấn đề” tồn tại trong khâu vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thức ăn, thức uống. Những vụ việc cơ quan chức năng thường xuyên phát hiện ra các xe chở thực phẩm ôi thiu, các cơ sở chế biến lưu trữ thực phẩm không nguồn gốc, quá hạn... gần đây càng làm dấy lên mối lo về an toàn thực phẩm trong người dân.

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 248 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong.

Trên thực tế, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là câu hỏi lớn tồn tại trong đời sống nhiều năm qua, bởi nhiều vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm. Đó đây vẫn luôn tồn tại những “góc khuất” của ngành kinh doanh thực phẩm trong nước. Thực trạng cho phụ gia, hóa chất tạo màu, tạo hương vị, tiết kiệm công sức nấu nướng khá phổ biến trong những người kinh doanh hám lợi. Thậm chí dùng hóa chất giả thực phẩm vẫn tồn tại không ít, như trường hợp cà phê hóa chất, rượu hóa chất, sữa đậu nành hóa chất hay heo giả bò...

Cạnh đó còn những cơ sở chế biến số lượng lớn để bỏ mối cho hàng loạt các hàng quán trong cả một thành phố, một khu vực. Số lượng lớn, yêu cầu chi phí thấp đã dẫn đến việc dùng các thực phẩm hư hỏng, không đảm bảo chất lượng chế biến. Không ít vụ ngộ độc thực phẩm xuất phát từ những món ăn như thế.

Thực trạng thiếu vệ sinh ở các hàng, quán lề đường cũng đã tồn tại bao năm qua. Những món ăn bình dân với mức giá rẻ mà nguồn gốc thực phẩm đến từ đâu, có đảm bảo hay không không rõ. Khâu rửa, vệ sinh dụng cụ ăn uống làm “tại chỗ” chỉ với vài thùng nước nhỏ, cộng với việc thức ăn được “trưng” ngoài đường, không bảo quản đúng cách, hư hỏng vẫn bán cho người tiêu dùng đã dẫn đến nhiều nguy cơ tổn hại sức khỏe cấp kì và lâu dài.

Mùa nắng nóng đến, theo các chuyên gia dinh dưỡng, đây là thời điểm thực phẩm dễ ôi thiu, hư hỏng và cũng là thời điểm dễ bùng phát ngộ độc thực phẩm nhất trong năm, càng cần người dân cẩn trọng trong tiêu dùng thực phẩm, đặc biệt là thức ăn đường phố. Có thể thấy, vấn đề thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm xuất phát từ những người kinh doanh ham lợi bất chất, thiếu lương tâm. Tuy nhiên, sâu xa hơn, nó cho thấy sự quản lý còn lỏng lẻo, yếu kém khi các vấn đề trên đã tồn tại nhiều năm, nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm. Người dân vẫn ngày ngày bị “đầu độc” bởi thức ăn bẩn trên thị trường.

Đọc thêm