Thói quen độc hại
Năm 2019, Việt Nam thải ra môi trường khoảng 100 nghìn tấn rác thải điện tử. Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta, các nhà khoa học ước tính, đến năm 2025, lượng rác điện tử có thể đạt gấp đôi, gấp ba lần hiện nay.
Cụ thể hơn, khi mức sống của người dân cải thiện, tập trung nhiều nhất ở các đô thị, thì nhu cầu về thiết bị điện tử gia dụng có xu hướng gia tăng. Tính sơ sơ một gia đình khoảng 4 người sống ở thành phố có thể sở hữu từ 1 chiếc ti-vi, 2 chiếc điều hoà, 2 chiếc quạt máy, 1 chiếc tủ lạnh trở lên, chưa kể đến các thiết bị điện tử nhỏ như laptop, ipad, điện thoại, pin dự phòng, máy sấy tóc…
Đồ dùng điện tử thường có tuổi thọ lâu dài nên không thuộc loại rác vứt đi hàng ngày. Tuy nhiên, pin điện tử, dây sạc điện thoại, phích cắm là những đồ điện tử dễ hỏng và dễ vứt nhất. Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc đã đưa ra số liệu như sau: Vào năm 2019, mỗi người dân Việt Nam thải ra trung bình 1,3kg chất thải điện tử, tương đương 116.000 tấn trên cả nước.
Dù rác điện tử hiện mới chiếm tới 2% trong tổng số lượng rác thải rắn hiện nay nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường và mức độ độc hại cho sức khoẻ con người còn có thể cao hơn. Theo Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên Môi trường, rác thải điện tử nằm trong danh mục chi tiết của các chất thải nguy hại và chất thải có khả năng là chất thải nguy hại.
Các thiết bị điện và điện tử chứa các vật liệu, linh kiện và hoá chất khác nhau. Các chất này có thể vô hại trong thời gian sử dụng nhưng lại có thể trở nên cực kì độc hại khi thiết bị được tháo dỡ hoặc xử lý không đúng cách.
Người Việt có thói quen vứt pin đã sử dụng vào thùng rác mà không nhận thức được rằng pin hoặc ắc-quy là loại chất thải độc hại và rất khó phân huỷ. Trong pin có chứa các kim loại nặng như chì, kẽm, cadmium và thủy ngân; nếu chúng bị chôn sẽ gây ô nhiễm lòng đất và nguồn nước ngầm, còn nếu bị đốt sẽ tạo thành khói độc gây ô nhiễm không khí.
Như vậy, ngoài thói quen vứt rác không phân loại, người Việt còn có thói quen bán đồ điện tử cũ hỏng cho các bên mua ve chai, đồng nát, hay cơ sở thu gom tự phát như cửa hiệu đồ điện tử cũ, đại lý thu mua phế liệu.
Ngoài ra, còn có một số làng nghề chuyên tái chế đồ điện tử như Tề Lỗ (Vĩnh Phúc), Dị Sử (Hưng Yên), Tràng Minh (Hải Phòng)... Tuy nhiên, hiện nay công tác thu gom rác điện tử mới chỉ dừng ở mức độ vận động thu gom; còn công tác xử lý rác điện tử mới hầu như dừng ở khâu đoạn sơ chế như tháo dỡ, phân tách nhựa, đồng, nhôm…
Còn một hình thức khác được quy định trong Thông tư số 34/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên Môi trường là các nhà sản xuất phải tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam, thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ, sau đó xử lý hoặc xuất khẩu ra nước ngoài để xử lý.
Tuy nhiên, cho đến nay, hoạt động thu hồi rác điện tử từ các cơ sở sản xuất chưa thực sự được đẩy mạnh, nhiều doanh nghiệp cũng chưa quan tâm đến việc thực hiện quy trình này. Đối với một số công ty nước ngoài lớn như Samsung, OPPO đều có ghi rõ chính sách thu hồi các sản phẩm điện tử cũ, hỏng do hãng sản xuất, nhưng phần lớn người dân không biết hoặc không để ý đến quy định này.
Khi được hỏi về việc vứt rác thải điện tử như thế nào, chị Dung - một cư dân sống tại quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) cho biết: “Thỉnh thoảng sẽ có những người đi qua đường rao mua ti vi, tủ lạnh cũ nên khi gia đình có đồ điện tử cũ, hỏng, tôi thường nghĩ đến đối tượng này đầu tiên. Người mua sẽ căn cứ vào loại đồ điện tử để ra giá nên thông thường giá bán sẽ cao hơn so với người mua đồng nát (tính theo cân). Còn nếu có thời gian thì tôi sẽ mang ra cửa hàng thu mua đồ điện tử cũ.
Quản lý như nào?
Do chưa có quy định cụ thể nên việc xử lý rác điện tử vẫn còn mang tính tự phát, manh mún, mới dừng ở mức vận động ý thức. Trong những năm qua, một số câu lạc bộ học sinh, sinh viên, tổ chức cộng đồng, doanh nghiệp đã kiên trì đưa ra các chương trình kêu gọi người dân có ý thức hơn với thói quen xả rác thải điện tử của mình.
Như chương trình “Việt Nam tái chế” (thu hồi và tái chế miễn phí các sản phẩm điện tử bị lỗi, hư hỏng) do Tập đoàn Apple và HP tài trợ, chương trình “đồng hành bảo vệ môi trường” của hệ thống VinCommerce (thu hồi pin đã qua sử dụng trên hơn 400 cửa hàng, siêu thị thuộc hệ thống Vinmart), chương trình “đổi pin lấy cây xanh” tại Trường THPT Yên Dũng số 3 (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang),…
Tuy nhiên, nếu không có hành lang pháp lý cụ thể thì những nỗ lực nêu trên cũng chỉ như “muối bỏ bể”. Phần lớn người Việt Nam vẫn quan niệm rác thải điện tử là một nguồn lợi nhiều hơn là một nguồn thải có thể gây hại đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Chính vì vậy, nhiều người dân, gia đình dù có đồ điện tự cũ, hỏng cũng không đem đi xử lý mà giữ lại trong nhà để tìm cách bán đi sinh lợi.
Bên cạnh đó, nhiều nhà máy xử lý chất thải điện tử thô sơ không được vận hành một cách an toàn, nhưng các cơ quan chức năng lại khó bề can thiệp bởi chưa có chế tài cụ thể. Quản lý rác điện tử hiện chỉ được làm qua loa ở nhiều địa phương, chủ yếu vận động thu gom, tuyên truyền để người dân bỏ rác đúng nơi quy định.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải quy định rõ hơn về trách nhiệm của các đơn vị sản xuất - kinh doanh, dịch vụ trong việc thu hồi sản phẩm thải bỏ, kể cả trách nhiệm của hộ gia đình về xử lý chất thải điện tử trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, bổ sung. Điều này cũng là xu hướng chung của thế giới.
Thiết nghĩ, tình hình xử lý rác thải công nghệ, rác thải điện tử ở Việt Nam chỉ có thể cải thiện nếu có được sự quan tâm sát sao, đồng bộ từ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cùng với công tác nâng cao ý thức phân loại rác thải từ nguồn cho người dân, cần phải có nhiều chương trình, phong trào về các hình thức, địa điểm thu gom, xử lý rác để người dân biết tới và thực hiện. Theo đó, cũng cần có những chế tài nghiêm minh để xử lý doanh nghiệp, người dân vi phạm để răn đe, hướng tới những thói quen đúng đắn trong cộng đồng.
Nếu không quản chặt, Việt Nam có nguy cơ trở thành nơi hứng “bãi rác” điện tử
Theo báo cáo của Hiệp hội Quốc tế về xử lý và tái chế rác thải điện tử (WEEE Forum), năm 2019 thế giới sản sinh ra 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, trong đó châu Á tạo ra nhiều nhất (24,9 triệu tấn), tiếp đến là châu Mỹ (13,1 triệu tấn), châu Âu (12 triệu tấn), rồi mới đến châu Phi và châu Đại Dương.
Trong đó, chỉ có khoảng 17% rác điện tử được tái chế, phần còn lại được đưa đến các bãi chôn lấp, lò đốt rác hoặc không được xử lý. Thành phần đồ điện tử bị vứt đi nhiều nhất là pin, phích cắm, các loại thiết bị điện tử nhỏ (đồ chơi điện tử, máy cạo râu điện, điện thoại di động, màn hình điện tử…) và thiết bị điện tử lớn (máy photocopy, tủ lạnh…). WEEE Forum ước tính, nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ, kể từ năm 2030 thế giới sẽ thải ra khoảng 74 triệu tấn rác điện tử mỗi năm.
Hiện nay, hoạt động mua bán rác điện tử trên thế giới đang ngày càng “rầm rộ”, bởi đồ điện tử càng hiện đại thì công nghệ xử lý chúng khi trở thành rác thải cũng phải tinh vi hơn. Thay vì chi trả chi phí lớn cho công nghệ xử lý, các nước phát triển có xu hướng trả tiền để đưa loại rác thải này cho các nước kém phát triển hơn để xử lý.
Các chuyên gia môi trường bày tỏ lo ngại, nước ta cũng có nhiều nguy cơ “hứng chịu” dòng chảy rác điện tử từ nước ngoài nếu không được quản lý chặt chẽ.