Báo động tình trạng ly hôn gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ly hôn là một giải pháp “lần khân” khi vợ chồng không còn có thể sống bên nhau. Nhưng với nhiều người, ly hôn cũng như kết hôn chỉ là một lựa chọn hời hợt khi không hài lòng. Và hôn nhân khi ấy chỉ là “cuộc chơi” của những người không chịu nỗ lực vun đắp hạnh phúc.
Số vụ ly hôn gia tăng qua từng năm. (Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: Báo CT)
Số vụ ly hôn gia tăng qua từng năm. (Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: Báo CT)

Số vụ ly hôn tăng nhanh qua từng năm

Số vụ ly hôn tăng nhanh những năm gần đây đã là một thực trạng xã hội cần nhìn nhận. Số liệu thống kê cho thấy, số vụ ly hôn ở Việt Nam hiện ở mức 60.000 vụ/năm, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%, có nghĩa cứ 4 cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn thì một đôi ra tòa.

Theo Trung tâm Tư vấn Giáo dục Tâm lý Thể chất TP Hồ Chí Minh, hiện nay cứ bình quân 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn. Độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỉ lệ cao và năm sau luôn tăng hơn năm trước. Cũng theo khảo sát này, 43,4% cảm thấy cuộc sống của mình thoải mái, tự do hơn sau khi ly hôn.

Con số ly hôn tăng không chỉ ở thành thị, các thành phố lớn, mật độ dân cư đông đúc mà cả ở các tỉnh, huyện lỵ, nhiều nơi cũng có tỉ lệ ly hôn gây bất ngờ. Như tại tỉnh Quảng Bình, chỉ tính trong 8 tháng năm 2023, TAND tỉnh đã tiếp nhận hơn 1.600 hồ sơ xin ly hôn. Theo thống kê, độ tuổi nộp đơn ly hôn phổ biến là 25 - 45 tuổi. Tại Quảng Nam, trong vòng 1 năm, có gần 2.500 cặp vợ chồng ra tòa ly hôn. Thống kê về nguyên nhân ly hôn cho thấy, nhiều nhất là do mâu thuẫn gia đình với 2.120 vụ; nghiện ma túy, cờ bạc, rượu, bia, ngoại tình, mâu thuẫn về kinh tế 203 vụ; các nguyên nhân khác 151 vụ…

Tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong sáu tháng đầu năm nay, TAND huyện đã giải quyết 231/356 vụ/việc xin ly hôn, trong đó đa phần người đứng đơn ly hôn là phụ nữ. Trước tình trạng này, UBND huyện Châu Đức đã phải làm công văn gửi các đơn vị nhằm triển khai thực hiện các giải pháp về công tác gia đình nhằm giảm thiểu tình trạng các cặp vợ chồng ly hôn trên địa bàn.

Trả lời báo chí, TS. Lưu Hồng Minh - nguyên Trưởng Khoa Xã hội học và Phát triển cho rằng, tỷ lệ ly hôn, ly thân trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Không những vậy còn xuất hiện nhiều hiện tượng khác như tình trạng người trẻ không muốn kết hôn, mẹ đơn thân, bố đơn thân… Đây được coi là những xu hướng trong tương lai cũng như trong các điều kiện phát triển của hiện tại. Theo đó, khi xã hội ngày càng phát triển, người phụ nữ tham gia rất nhiều công việc, có vị thế ngày càng cao trong xã hội, họ có xu hướng tự chủ hơn và ít bị ràng buộc bởi những mối quan hệ hôn nhân gia đình.

Hôn nhân đâu phải trò đùa

Nhiều ý kiến cho rằng, con số ly hôn tăng nhanh là một trong những dấu hiệu cho thấy ý thức và suy nghĩ về tự do, hạnh phúc của nhiều người đang thay đổi, đặc biệt là phụ nữ. Có thể thấy điều này qua nhiều thống kê về các vụ ly hôn trong những năm qua thì phần lớn người đệ đơn là phụ nữ.

Ngoài vai trò trong xã hội ngày càng được khẳng định, hiện nay người phụ nữ cũng không bị ràng buộc bởi nhiều định kiến. Khi cảm thấy cuộc hôn nhân không còn ý nghĩa, không còn gắn kết, hoặc bất hạnh vì gặp phải người chồng tệ bạc, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn và chủ động bước ra khỏi cuộc hôn nhân “độc hại” để tìm cho mình một cuộc đời mới hạnh phúc hơn.

Đó chính là một trong những ý nghĩa tích cực khi nhìn vào tỉ lệ ly hôn tăng nhanh trong những năm qua. Tuy nhiên, trên thực tế, tỉ lệ ly hôn cao do rất nhiều yếu tố, trong đó có cả những người nhầm lẫn về giá trị, hoặc coi hôn nhân chỉ như một cuộc chơi và sẵn sàng rời đi để sống cho chính mình khi gặp điều không vừa ý.

Hiện nay còn xuất hiện nhiều hội nhóm tư vấn về hôn nhân và gia đình trên mạng xã hội, để rồi có những người dễ dàng bị cuốn vào những “cơn say” của các lời khuyên trên mạng, trong đó có những lời khuyên “ly hôn đi”. Những cái nhìn tiêu cực và thiếu xây dựng về hôn nhân, nhân danh “sống cho chính mình” cũng dễ dàng khiến nhiều người sẵn sàng buông tay khi hôn nhân gặp trắc trở, không nghĩ đến chuyện cố gắng chữa lành, vun bồi nó.

Ly hôn cũng có thể là “chứng chỉ hạnh phúc”, nhưng cũng có thể là sự đánh mất hạnh phúc, tan vỡ gia đình, ảnh hưởng đến trẻ thơ, gây ra nuối tiếc cả đời. Quan trọng là mỗi người phải tỉnh táo để không bị cuốn theo đám đông, để không đặt cái “tôi” của mình lên trên hết và để lắng nghe tiếng lòng mình, xem cuộc hôn nhân ấy còn đáng để trân trọng, giữ gìn?

Đọc thêm