60-70% ca nạo phá thai là ở độ tuổi học sinh, sinh viên
BSCKII Đào Văn Thụ, PGĐ Trung tâm tư vấn SKSS & KHHGĐ, BV Phụ Sản Trung ương cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 30.000 ca nạo phá thai, trong số đó có tới 60-70% là ở độ tuổi học sinh, sinh viên, trong đó có khoảng 0,5 % là ở tuổi vị thành niên. Việt Nam đang đứng thứ 5 trên thế giới về tỷ lệ nạo phá thai.
Việc gia tăng số lượng các ca nạo, phá thai ở trẻ vị thành niên đang là thực trạng đáng báo động.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mang thai và gia tăng tình trạng nạo, phá thai ở trẻ vị thành niên. Theo bác sĩ Thụ, tình trạng trẻ dậy thì sớm; học sinh, sinh viên sống xa nhà; các bạn trẻ sống thử, sống buông thả; thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản...
Ngoài ra, nhiều phụ huynh thiếu quan tâm, chăm sóc, ngại chia sẻ kiến thức giới tính cho con cái, chưa trở thành người đồng hành để chia sẻ với con. Nhiều gia đình phó mặc con cho nhà trường và xã hội, đến khi phát hiện con trẻ có thai thì đã muộn. Hoạt động truyền thông sức khỏe, giáo dục giới tính tại trường học chưa thực sự hiệu quả.
BSCKII Đào Văn Thụ, PGĐ Trung tâm tư vấn SKSS & KHHGĐ, BV Phụ Sản Trung ương. |
Nguy cơ mất khả năng làm mẹ
Bác sĩ Thụ chia sẻ từng gặp rất nhiều ca biến chứng sau nạo phá thai. Cá biệt, có những trường hợp nạo phá thai ở phòng khám tư bị vỡ tử cung.
“Trường hợp mà tôi nhớ nhất, có lẽ là một cháu 16 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc, từng phá thai ở phòng khám tư trên Vĩnh Phúc và bị rách cổ tử cung, chảy máu, phải nhập viện cấp cứu. Sau một năm cháu gái này tiếp tục đến bệnh viện làm thủ thuật hút nạo phá thai lần hai. Nguyên nhân do bạn gái này quan hệ tình dục không an toàn, không có ý thức sử dụng các biện pháp để bảo vệ bản thân”, bác sĩ Thụ kể.
Cũng theo bác sĩ Thu, sau nạo hút thai, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng sớm như: thủng tử cung, chảy máu, băng huyết, choáng, sốc. Những biến chứng muộn mà bệnh nhân có thể gặp như: dính buồng tử cung, tắc vòi trứng, chửa ngoài tử cung, vô sinh ….
“Những biến chứng muộn như: dính buồng tử cung, tắc vòi trứng, chửa ngoài tử cung diễn ra âm thầm và không có triệu chứng. Điều này dẫn đến việc khi được phát hiện bệnh nhân đều đã ở tình trạng nguy hiểm. Đặc biệt, việc nạo phá thai không an toàn còn khiến cho các bạn trẻ có nguy cơ mất khả năng làm mẹ”, PGĐ Trung tâm tư vấn SKSS & KHHGĐ, BV Phụ Sản Trung ương nhấn mạnh.
Có thai sớm và nạo, phá thai sẽ làm giảm cơ hội học tập, phát triển của trẻ vị thành niên. Việc nạo phá thai còn thường đi cùng với những ảnh hưởng lớn về tâm lý, làm cho trẻ vị thành niên không những bị ám ảnh mà còn sợ hãi, trầm cảm, hoang mang. Đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như: lậu, giang mai, sùi mào gà, HIV, viêm gan B, viêm gan C, làm gia tăng thêm các gánh nặng về kinh tế và sức khoẻ đối với cá nhân, gia đình và cả xã hội.
Bác sĩ Thụ đang siêu âm, kiểm tra cho bệnh nhân. |
Làm sao để hạn chế tình trạng này?
Để hạn chế tình trạng nạo, phá thai ở trẻ vị thành niên, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là cần trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên trên cơ sở phát huy vai trò của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội.
“Gia đình, cần quan tâm, để ý đến các con, nhất là các cháu trong độ tuổi học sinh, sinh viên. Thầy cô, nhà trường cần giáo dục giới tính sớm cho trẻ. Còn giới truyền thông cần có những bài viết chuyên sâu, những trao đổi với các chuyên gia chuyên khoa sản để truyền tải nội dung, thông điệp có ý nghĩa đến với các bạn học sinh, sinh viên”, bác sĩ Thụ nêu.
Cũng theo bác sĩ Thụ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông sức khỏe, giáo dục giới tính đối với trẻ vị thành niên. Nội dung truyền thông, giáo dục cần có sự lựa chọn trên cơ sở phù hợp đặc điểm tâm lý, nhận thức của từng nhóm lứa tuổi cụ thể.
Đối với trường hợp trẻ vị thành viên, học sinh, sinh viên khi có thai ngoài ý muốn, thì nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để được bác sĩ được tư vấn, hỗ trợ xử trí kịp thời, an toàn