Xăng dầu tăng giá cao, đặc biệt là mặt hàng dầu (nguyên liệu của các phương tiện vận chuyển hàng hóa), đã tăng từ khoảng 17.000 đồng/lít lên 25.000 đồng/lít kéo theo các chi phí vận chuyển tăng rất nhiều. Các mặt hàng sản xuất từ đó cũng tăng theo. Khoảng giữa tháng 3, các siêu thị vẫn nỗ lực giữ giá các mặt hàng và kiềm đà tăng ở mức thấp nhất có thể. Tuy nhiên, thời điểm này, “bão giá” đã xuất hiện tại các siêu thị.
Theo khảo sát của PLVN, hiện hầu hết các hệ thống siêu thị đều tăng giá các mặt hàng từ mức thấp nhất 5%, trong đó, mặt hàng dầu ăn tăng “sốc” nhất với mức tăng từ 20-25% tùy nhãn hiệu. Hiện các mặt hàng dầu ăn Simply, Neptuyn… đều niêm yết ở mức giá trên 70.000 đồng/lít, tăng “sốc” nhất phải kể đến dầu ăn gạo lứt Simply khi hiện đang “đứng” ở nhiều siêu thị với mức giá 82.000 đồng/lít.
Bà Trần Hồng Huê (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chỉ khoảng 10 ngày không ghé vào siêu thị mua bán đã khiến bà choáng váng với các mức tăng của các mặt hàng. Bình thường, bà đi siêu thị 1 tuần/lần đủ cho cả nhà 6 người ăn trong 1 tuần nhưng cuối tuần vừa rồi, do bận nên bà không đi được. Mới đi hồi đầu tuần thì ngạc nhiên vì giá các mặt hàng tăng quá lớn.
“Loại dầu ăn Neptuyn tôi mới mua 59.000 đồng/lít mà nay đã lên đến 71.000. Tôi sợ siêu thị niêm yết nhầm giá bán, phải mang ra quầy tính tiền check giá mới biết đúng là giá đã tăng. Sợ siêu thị bán cao quá, tiện trên đường về tôi cũng ghé vào siêu thị nhỏ khác để xem giá thì giá cũng không kém, 69.000 đồng/lít. Các mặt hàng mì tôm cũng tăng khoảng 7-10%. Giá tăng cao thế nhưng các siêu thị như BRG mart, Winmart… cũng không có chương trình giảm giá khuyến mại” - bà Huê kể lại.
Đại diện Trung tâm thương mại Aeon cho biết, việc tăng giá các mặt hàng bán tại các siêu thị của Trung tâm là chuyện khó tránh khỏi khi từ sau Tết, giá xăng dầu đã tăng đến 25%. Aeon cũng đã cố gắng đàm phán với các nhà cung ứng, cố gắng giảm mức giá thấp nhất có thể nhưng hiện thời, giá nhiên liệu đầu vào đều tăng các nhà sản xuất cũng kêu khó khăn nên buộc phải chấp nhận tăng giá một số mặt hàng với mức tăng thấp.
“Chúng tôi ngồi lại cùng với nhà sản xuất, đề nghị cùng nhau chia sẻ khó khăn trong thời điểm này, mỗi bên giảm lợi nhuận một chút để cùng gánh áp lực tăng giá với người tiêu dùng, nếu không tình thế sẽ rất khó khăn vì mức chi tiêu hiện nay đang thấp so với cùng kỳ” - vị đại diện này chia sẻ.
Một số doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá nhiều năm qua cũng đã bắt đầu buộc phải xin tăng giá. Ví dụ, doanh nghiệp hàng bình ổn tại TP Hồ Chí Minh đã xin điều chỉnh tăng giá các mặt hàng trứng gia cầm từ 6-12% so với mức giá cũ. Theo đại diện các doanh nghiệp, giá xăng dầu tăng cao đã kéo theo các chi đầu vào tăng cao tới 20-30%, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Nếu giữ giá sản phẩm bình ổn như cũ sẽ không gồng gánh được. Do đó, các doanh nghiệp đã đề nghị tăng giá nhẹ như thịt gia súc 2-3%, thịt gia cầm 6-12%, trứng gia cầm 6-8%.
Cùng với đó, theo Luật Giá, sữa là một mặt hàng phải bình ổn nhưng nhiều doanh nghiệp đã buộc phải thông báo điều chỉnh giá bán. Ví dụ Công ty Vạn An (chuyên phân phối các loại sữa bột dặm cho trẻ em) cũng đã thông báo tăng khoảng 7% với 22 mặt hàng; Vinamilk cũng thông báo tăng giá 10 loại sản phẩm; Công ty dinh dưỡng 3A (chuyên phân phối các loại sữa mang nhãn hiệu Abbott) cũng đã thông tin về việc tăng giá 4 sản phẩm…
Đại diện một số siêu thị cũng khẳng định, khó có thể tránh được việc tăng giá các mặt hàng bởi xăng dầu là đầu vào của mọi lĩnh vực, chỉ là tăng ở mức chấp nhận được, để doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng “đỡ” nhau. Tuy nhiên, cũng có siêu thị hàng tồn nhiều nên đang sử dụng phương án “bình quân giá”, mua thêm hàng để hạ thấp nhất mức tăng, nhằm đưa ra giá tốt nhất cho người tiêu dùng.
Giá các mặt hàng có thể tăng cao hơn
Tại báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp thương mại quý I/2022, Bộ Công Thương đánh giá, giai đoạn vừa qua hàng hóa dồi dào nhưng sức mua vẫn còn yếu, tiêu thụ hàng hóa của người dân vẫn chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu như hàng lương thực, thực phẩm, vật phẩm văn hóa giáo dục và phương tiện đi lại. Hiện giá một số mặt hàng tươi sống, rau củ quả và một số hàng hóa có chiều hướng tăng do tác động từ chi phí vận chuyển, chi phí xăng dầu tăng, trong đó các mặt hàng thực phẩm có mức tăng từ 5,4 - 11%.
Tuy nhiên, Bộ này vẫn lo ngại thời gian tới, nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang, giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, sẽ kéo theo chuyện tăng giá của nhiều mặt hàng do sản xuất của Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu.