Bao giờ hoạt hình Việt “định vị” trên thế giới?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tuy đạt khá nhiều giải thưởng cao nhưng phim hoạt hình Việt Nam vẫn thiếu vắng những bộ phim lớn, có thời lượng dài và đủ sức thu hút khán giả xếp hàng đến rạp.
Phim hoạt hình Anh hùng Núi Tản. (Ảnh: Thanh Hà)
Phim hoạt hình Anh hùng Núi Tản. (Ảnh: Thanh Hà)

Nhiều phim đạt giải thưởng cao

Với sự đa dạng về thể loại, bao gồm các phim 3D, phim 2D, phim cắt giấy vi tính; sự phong phú về đề tài như phim triết lý, phim đồng thoại, phim lịch sử, phim triêt lý, phim series… cùng với sự sự tìm tòi, sáng tạo của các nghệ sĩ, chùm phim hoạt hình 2023 đã có hiệu quả tốt. Có thể thấy rõ phim hoạt hình Việt Nam đang cải thiện về chất lượng. Nội dung phong phú, hấp dẫn, gần gũi với đời sống trẻ nhỏ; Hình thức phim được nâng cao, thể hiện qua hình ảnh đẹp, màu sắc tươi tắn, diễn xuất mềm mại, âm thanh sống động.

Những năm gần đây, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đã giành các giải thưởng quan trọng như: Giải Cánh diều Vàng phim “Nguồn cội” - đạo diễn NSƯT Phùng Văn Hà; Giải Cánh diều Bạc phim “Cô bé tóc xù” - đạo diễn Phạm Thị Minh Nguyệt và phim “Tái sinh” - đạo diễn NSƯT Lê Bình; Giải Ban giám khảo phim khảo cho phim “Mèo Mũi đỏ và những người bạn” - đạo diễn Bùi Mạnh Quang và “Giấc mơ của con” - đạo diễn NSƯT Phạm Hồng Sơn. Giải Họa sĩ xuất sắc cho Lê Bình phim “Tái sinh”.

Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đã giành nhiều giải thưởng cao: Bông sen Vàng cho phim “Giấc mơ của con” - đạo diễn NSƯT Phạm Hồng Sơn; Bông sen Bạc cho phim “Bà của Đỗ Đỏ” - đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Linh; Giải thưởng Ban giám khảo cho phim “Cây ổi thiên đường” - đạo diễn NSND Phạm Ngọc Tuấn và phim “Nữ tướng Mê Linh” - đạo diễn NSƯT Phùng Văn Hà; Giải Hoạ sĩ xuất sắc nhất cho Họa sĩ Bùi Mạnh Quang, phim “Kỳ tích đầm Dạ Trạch”; Giải Họa sĩ diễn xuất xuất sắc nhất cho nhóm họa sĩ phim “Đại hành Hoàng đế; Giải Âm nhạc xuất sắc nhất cho nhạc sĩ Lương Ngọc Châu phim “Sương mù”; Giải Âm thanh xuất sắc nhất cho Nguyễn Duy Long phim “Đại hành Hoàng đế”; Giải Biên kịch xuất sắc nhất cho biên kịch Nguyễn Quang Thiều, phim “Cây ổi thiên đường”.

Cần đầu tư xứng đáng

NSND Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho hay: “Công nghệ thay đổi từ truyền hình, Interrnet, điện thoại di động đến các phương tiện mạng xã hội không chỉ giúp hoạt hình quảng bá tốt hơn, đến gần hơn với công chúng, khán giả mà còn có hiệu ứng tương tác. Nhiều phim hãng đưa lên có lượng truy cập rất cao, cá biệt có phim hơn 50 triệu lượt xem như “Bố của gà con”. Những tương tác cũng nói lên cảm nhận của khán giả và phản hồi rất tốt cho định hướng sáng tác của chúng tôi sau này. Ngoài ra, Hãng còn liên kết chiếu cho các trường học hay đem phim đi chiếu tận nơi ở nhiều trường học góp phần lan tỏa những bộ phim hay tới các em học sinh”.

NSND Phạm Ngọc Tuấn ấp ủ sản xuất phim hoạt hình chiếu rạp. Nhưng theo ông, có kịch bản tốt, phân cảnh tốt, demo chào hàng tốt vẫn chưa đủ. Nội lực cần nhân lực, máy móc và tiền đầu tư đủ tốt. Hãng rất cần “Mạnh thường quân” thực sự thích thú đam mê với hoạt hình đầu tư thì thực sự mới có phim hoạt hình hay để ra rạp. Bởi một bộ phim hoạt hình ra rạp tính sơ sơ chi phí tối thiểu cần 15 tỷ đồng.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, trong khoảng 10 năm gần đây, sự tăng trưởng của phim hoạt hình khá tốt, đem lại 10 - 15% doanh thu của điện ảnh. Phim hoạt hình có đóng góp tích cực đối với thị trường điện ảnh. Nhưng nhìn ra thế giới, hoạt hình của chúng ta vẫn còn nhiều thứ phải ước mơ.

Trong Luật Điện ảnh và các văn bản dưới luật hiện hành, Nhà nước dành nhiều chính sách cho sản xuất, đặt hàng, đầu tư cho điện ảnh nói chung, trong đó, lĩnh vực hoạt hình với phim hoạt hình chiếu rạp, phim chiếu trên truyền hình phục vụ thiếu nhi. Tuy được đặc biệt quan tâm trong chính sách, nhưng thực tế vẫn ở mức độ hạn hẹp. Tại Tọa đàm “Phim hoạt hình Việt Nam - năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế” - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, bà Ngô Phương Lan cho hay: “Đã đến lúc chúng ta mở rộng tầm nhìn, thay đổi cách đánh giá năng lực và cách thức sản xuất phim hoạt hình để tập hợp sức mạnh, từ đó mở ra hướng hợp tác quốc tế, tạo sự phát triển bền vững để hoạt hình Việt Nam thành một ngành công nghiệp trong công nghiệp văn hóa Việt Nam”. Ông Phan Quân Dũng, Đại học Văn Lang (TP HCM) cho rằng, cần xây dựng chiến lược phát triển hoạt hình Việt Nam nằm trong chiến lược phát triển văn hóa. Phải có người có tài, có tâm, có tầm để dẫn dắt hoạt hình Việt Nam phát triển. Phải có chính sách, nguồn lực kinh tế và sự tôn vinh xứng đáng cho người sáng tạo thì mới tạo nên sự phát triển đột phá của hoạt hình Việt Nam.

Nhiều nhà làm phim mong muốn được Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp tới các hội chợ phim, liên hoan phim trong và ngoài nước để quảng bá bằng vị thế quốc gia chứ không phải với tư cách một công ty đơn lẻ. Và đặc biệt là chính sách ưu đãi về thuế cho các nhà sản xuất để thu hút các nhà làm phim quốc tế chọn đối tác Việt Nam cùng làm phim. Cạnh đó, cũng cần có một liên hoan phim hoạt hình quốc tế tại Việt Nam để có sự thu hút, giao lưu học hỏi cho đội ngũ làm phim hoạt hình. Điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là hoạt hình chưa có “quan hệ” với thế giới, nhiều phim chúng ta làm được và hay, được giải nhưng chưa có tên trong Bảo tàng điện ảnh thế giới vì họ thiếu thông tin về chúng ta.