Bao giờ Nam Định rà soát xong các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất độc hại?

(PLVN) - Tháng 9/2019, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thống kê rà soát toàn bộ các cơ sở có sản xuất, kinh doanh sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm trên địa bàn. Nhưng đến nay, còn nhiều địa phương vẫn chưa gửi báo cáo về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Nam Định đang tiến hành rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất độc hại.
Nam Định đang tiến hành rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất độc hại.

Theo đó, để chủ động quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm, ngày 30/9/2019, UBND tỉnh Nam Định đã có Công văn số 64/UBND-VP3 chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thống kê rà soát toàn bộ các cơ sở có sản xuất, kinh doanh sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm trên địa bàn.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương (cơ quan đầu mối tổng hợp kết quả rà soát) cũng đã gửi 2 công văn: số 671/SCT-KTATMT ngày 4/10/2019, số 737/SCT-KTATMT ngày 28/10/2019 hướng dẫn, đôn đốc, tuy nhiên, đến nay mới có một số sở, ngành, địa phương gửi báo cáo về Sở Công Thương.

Nhằm đảm bảo lộ trình quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, Sở Công Thương đề nghị UBND các huyện tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn nghiêm túc thực hiện việc lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất theo quy định tại Luật Hoá chất 2007 và Nghị định số 113/2017/NÐ-CP, tổng hợp xây dựng kế hoạch ứng phó cấp địa phương với tình huống sự cố phát tán hóa chất độc hại và gửi báo cáo về Sở Công Thương trước ngày 12/6/2020, để Sở tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án quản lý, phòng ngừa ứng phó sự cố cấp tỉnh theo đúng quy định.

Theo Sở Công Thương Nam Định, hóa chất ngày càng được sản xuất và sử dụng nhiều ở Việt Nam nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều loại hóa chất đang được sử dụng không rõ nguồn gốc; các cơ sở có sử dụng, tồn trữ một số loại hóa chất nguy hiểm nằm xen kẽ hoặc gần khu dân cư mà không có các biện pháp bảo quản, sử dụng an toàn dẫn tới các sự cố rò rỉ, tràn đổ, cháy, nổ.

Các hóa chất cháy nổ, phát tán ra môi trường khi tiếp xúc với người gây nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hóa chất như: rối loạn nội tiết, ung thư, bệnh phổi...

Trên toàn quốc đã xảy ra một số sự cố hóa chất đáng tiếc, gây hệ lụy khôn lường như: Vụ nổ hóa chất tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng làm 4 người chết, 4 người bị thương; vụ nổ tiền chất thuốc nổ tại Nhà máy Z121 làm chết 20 người, vụ nổ hóa chất tại Công ty Ðặng Huỳnh (thành phố Hồ Chí Minh) làm 3 người chết, vụ xả thải xuống biển có hóa chất của Công ty TNHH Formosa Hà Tĩnh... Gần đây nhất là vụ hỏa hoạn xảy ra tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông (Hà Nội) với khoảng 27kg thủy ngân đã bị phát tán ra môi trường.

Đọc thêm