Bạo hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị xử lý hình sự.

Diễn đàn đối thoại chính sách lần thứ 4 có chủ đề “Lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật: vai trò của cơ quan tư pháp trong giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới và bảo vệ quyền của phụ nữ" được Bộ Tư pháp và UNDP đồng tổ chức sáng nay tại Hà Nội .

“Hoàn thiện pháp luật là cơ sở pháp lý để đảm bảo bình đẳng giới (BĐG), khẳng định trách nhiệm của lãnh đạo nơi có lao động nữ, huy động lực lượng xã hội tham gia, tăng cường PBGDPL, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ, bản thân phụ nữ cũng phải chủ động tích cực nâng cao vai trò để BĐG không còn là hình thức” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền (Trưởng ban VSTBPN ngành Tư pháp) đã khẳng định như vậy tại Diễn đàn đối thoại chính sách lần thứ 4 do Bộ Tư pháp và UNDP đồng tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Bạo hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị xử lý hình sự. ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền: "bản thân phụ nữ cũng phải chủ động tích cực nâng cao vai trò để BĐG không còn là hình thức”

 Diễn đàn lần này có chủ đề “Lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật: vai trò của cơ quan tư pháp trong giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới và bảo vệ quyền của phụ nữ”.

Đánh giá chung về thực trạng BĐG ở Việt Nam, thời gian qua, với việc khung pháp lý đang từng bước hoàn thiện, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc thúc đẩy BĐG và bảo vệ quyền của phụ nữ. Trong đó Luật Bình đẳng giới là mốc quan trọng thể hiện sự phát triển về thể chế trong lĩnh vực BĐG và lồng ghép giới.

Tuy nhiên, qua kết quả nghiên cứu về thực trạng thi hành pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình ở Việt Nam (của cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNDOC) tiến hành) do bà Daria Hagemann đưa ra cho thấy, ở Việt Nam, một trong những khó khăn là chỉ trong trường hợp hành vi bạo hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị xử lý hình sự. Trong những trường hợp này, trước khi người phạm tội bị xử lý theo pháp luật thì nạn nhân bạo hành đã phải chịu nhiều tổn thương. Trên thực tế thì 8/10 vụ việc ly hôn là có dấu hiệu bạo hành gia đình đối với phụ nữ.

Bạo hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị xử lý hình sự. ảnh 2
Xây dựng năng lực đội ngũ nhân viên tư pháp, hòa giải viên ở cơ sở để thực thi Luật Bình đẳng giới

 Bên cạnh đó, thực trạng thực thi đảm bảo BĐG vẫn còn nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân và khó khăn từ xây dựng, thực thi pháp luật, nhận thức về giới của các cấp, các ngành, nguồn nhân lực tổ chức thực hiện VBQPP, xác định thế nào là vấn đề giới trong VBQPPL, biện pháp giải quyết khi phát hiện nếu vấn đề BĐG không được đảm bảo…

Do đầu tư cho phát triển BĐG là đầu tư cho phát triển nên theo Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền, cần hoạch định chính sách, đòi hỏi sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị, trong đó ngành tư pháp đóng vai trò quan trọng thông qua các hoạt động trong các lĩnh vực quản lý của ngành.

Ngoài ra, bà Daria kiến nghị phải nâng cao nhận thức và bảo vệ nạn nhân của nạn bạo hành gia đình bằng các qui định của Luật Phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng năng lực đội ngũ nhân viên tư pháp, hòa giải viên ở cơ sở và nhân viên xã hội (cũng như nhân viên y tế) để đối xử với nạn nhân, ngăn ngừa việc bạo hành tái phát, giải quyết vụ việc bạo hành gia đình tốt hơn, nâng cao chất lượng giải quyết vụ việc thông qua thành lập và thực thi các cơ chế chuyển giao giữa các cơ quan hữu quan và chia sẻ thông tin.

H.Giang

Đọc thêm