Tại buổi tọa đàm trực tuyến mới đây, các chuyên gia giáo dục, đại diện cơ quan quản lý và các trường đã thẳng thắn phân tích những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ mầm non…
Đó là việc cấp phép khá dễ dàng, công tác kiểm tra còn lỏng lẻo, quá trình rà soát, quản lý bằng cấp chuyên môn của giáo viên, bảo mẫu chưa nghiêm túc... được cho là các nguyên nhân ban đầu khiến chất lượng nuôi dạy trẻ tại nhiều cơ sở mầm non tư thục ngày càng xuống cấp. Những đòi hỏi khá gắt gao từ phía nhà trường, phụ huynh đôi khi cũng tạo nên áp lực, khiến không ít giáo viên, bảo mẫu cảm thấy ức chế, khó kiểm soát hành vi nếu chẳng may trẻ quậy phá, không nghe lời hay đánh bạn. Song, theo các chuyên gia, mấu chốt của giáo dục vẫn nằm ở kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của giáo viên.
Ở góc độ thực tế, bà Nguyễn Thị Hương Trung - Giám đốc điều hành Hệ thống giáo dục TESLA cho rằng, đối với nhiều phụ huynh, kể cả thầy cô, nhiều khi chúng ta cũng đang “bạo hành” trẻ tuân theo kỷ luật trong gia đình, trong trường lớp hàng ngày mà mình không biết. Bạo hành đó xảy ra từ gia đình đến giáo dục hàng ngày; từ gia đình nhỏ đến lớn, từ gia đình có điều kiện đến gia đình không có điều kiện.
Theo bà Nguyễn Thị Hương Trung, trẻ bị bạo hành thường có biểu hiện như hèn nhát, dễ phục tùng vô điều kiện; có trẻ bị bạo lực thời gian dài còn sử dụng bạo lực với người khác. Nếu kéo dài thì có trẻ chán học, chán đến trường. Theo một khảo sát gần đây với 200 trẻ, khi hỏi “có sợ cô giáo không” thì có 48% trẻ trả lời “có”. Theo đó, trẻ bị bạo hành trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách, hành vi, trẻ dễ mang tính cách hung hăng, không biết chia sẻ, đồng cảm trong cuộc sống. Trẻ cũng sẽ rơi vào stress, ám ảnh, về sức khỏe dễ gặp những bệnh về tâm lí thần kinh, thậm chí là động kinh.
Nguyên nhân sâu xa hơn khi đi tìm nguyên nhân bạo hành khó lý giải, TS Quỳnh Giao phân tích, từ nhiều vụ án bạo hành trẻ tôi theo dõi, tìm hiểu và nhận thấy khi giáo viên ý thức họ là người rất yêu trẻ. Nhưng khi họ rơi vào trạng thái căng thẳng, stress lâu ngày, trầm cảm thì họ sẽ hành động trong vô thức. Thậm chí việc bạo hành những người hàng ngày họ rất thương yêu (trẻ em chẳng hạn) lại mang đến cho họ những cảm giác thư giãn, nhẹ nhõm. Đó cũng là điều xảy ra từ nhiều vụ bạo hành mà hành động của giáo viên nhiều khi không ai hiểu và lý giải nổi.
Do đó, TS. Quỳnh Dao đề nghị cán bộ quản lý các trường mầm non cần quan tâm nhiều hơn nữa đến sức khỏe tinh thần, tâm lý của giáo viên. Qua đó, có các hoạt động vui chơi, giảm stress cho giáo viên. Bởi theo TS. Quỳnh Dao, thông qua các sinh hoạt mang tính “giảm nhiệt” sự căng thẳng, tinh thần của giáo viên sẽ giúp họ cân bằng lại cảm xúc, hành vi của mình.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM cho rằng, đối với giáo viên mầm non, đạo đức phải đặt lên hàng đầu. Luật sư cũng cho biết, khoảng ba năm nay chi hội tiếp nhận hàng trăm vụ bạo hành, xâm hại trẻ em ở khắp nơi, nhiều vụ rất đau lòng. Các vụ bạo hành trẻ ở Hà Nội, Thanh Hóa, TPHCM... vừa qua cho thấy, giáo viên gần như không được trang bị đầy đủ kỹ năng sư phạm, cũng như sự ức chế tâm lý, biểu hiện stress của giáo viên rất rõ.
Vì vậy, theo Luật sư Nữ, bên cạnh việc quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần giáo viên thì ngành Giáo dục, luật pháp cần tăng chế tài xử lý các giáo viên có hành vi bạo hành trẻ. Song song đó, cơ quan chức năng cần rốt ráo kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề trông trẻ tư thục, loại bỏ các giáo viên không đủ điều kiện. Đặc biệt, chương trình đào tạo giáo viên mầm non cần phải khắt khe và chuẩn mực hơn. Thậm chí cần phải nghiên cứu đưa vào chương trình đào tạo Luật Trẻ em, các chính sách pháp luật cho giáo viên.
Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có khoảng hơn 2 triệu công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó hơn 80% trong số này là nữ và hầu hết đều trong độ tuổi có con nhỏ. Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2014, chỉ có khoảng 1/5 số trẻ là con công nhân tại các khu công nghiệp ở TP HCM được đi học, số còn lại vẫn đang trông chờ các dự án xây dựng trường. Điều này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với trẻ.
Năm 2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký quyết định phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”, góp phần hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi. Mục tiêu của đề án là hỗ trợ xây dựng và phát triển 500 nhóm trẻ độc lập tư thục; 80% số giáo viên, bảo mẫu được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nuôi dạy trẻ; 70% số trẻ được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng…