Bảo hiểm tiền gửi góp phần giúp Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động đúng hướng

(PLVN) - Một trong những trọng tâm của ngành Ngân hàng hiện nay là chấn chỉnh, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động trong hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), đảm bảo các quỹ phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đúng mục tiêu, đúng tính chất của loại hình tổ chức tín dụng hợp tác. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ mà Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã thực hiện khá hiệu quả.
Hội thảo “Vai trò của chính sách BHTG trong việc phát triển bền vững hệ thống QTDND” tổ chức tại An Giang
Hội thảo “Vai trò của chính sách BHTG trong việc phát triển bền vững hệ thống QTDND” tổ chức tại An Giang

Quỹ tín dụng nhân dân - động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 8/2019, có 1.182 QTDND hoạt động trên địa bàn cả nước với tổng tài sản có đạt gần 123.000 tỷ đồng, vốn điều lệ gần 4.600 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng lần lượt đạt 8,62% và 4,82% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) và lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt đạt 0,59% và 9,11%. Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của hệ thống QTDND đạt 102,69%. 

Nhìn chung hệ thống QTDND hoạt động lành mạnh, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ, mục đích đề ra, thực hiện huy động vốn trên địa bàn để cho các thành viên vay nhằm mục đích tương trợ, tăng cường tính gắn kết cộng đồng, góp phần xoá đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống của các thành viên. 

Tính riêng trên địa bàn tỉnh An Giang, hiện có 24 QTDND  đang hoạt động tại 144/156 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh An Giang, về quy mô hoạt động, mặc dù các QTDND có quy mô rất nhỏ so với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh nhưng đã trở thành một trong những động lực góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giúp tỉnh An Giang trong công tác xoá đói, giảm nghèo, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi và hạn chế vấn nạn “tín dụng đen” bùng phát trên địa bàn tỉnh.

Theo kết quả xếp hạng QTDND trên địa bàn An Giang năm 2018 tại Quyết định 35 ngày 10/7/2019 của Thống đốc NHNN, tỉnh An Giang không có QTDND nào bị đưa vào dạng kiểm soát đặc biệt. 

Hỗ trợ Quỹ tín dụng nhân dân phát triển bền vững

Về vai trò của chính sách BHTG trong việc phát triển bền vững hệ thống QTDND, ông Nguyễn Tuấn Dũng - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh An Giang đánh giá cao hiệu quả của chính sách BHTG trong việc nâng cao niềm tin của người dân vùng nông thôn đối với hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động của QTDND, từ đó thu hút nguồn vốn nhàn rỗi tại chỗ cho tín dụng phát triển kinh tế nông thôn.

Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, chính sách BHTG có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là các QTDND có quy mô nhỏ, luôn chịu nhiều rủi ro, thách thức.

“Bên cạnh việc củng cố và ổn định lòng tin của người gửi tiền vào hoạt động của hệ thống QTDND, tạo yếu tố cạnh tranh bình đẳng với ngân hàng thương mại, các hoạt động giám sát, kiểm tra, tham gia tái cơ cấu QTDND yếu kém của BHTGVN đã góp phần quan trọng trong việc phát triển bền vững hệ thống QTDND” -  ông Dũng nhấn mạnh.

Chia sẻ về vai trò của BHTGVN trong việc hỗ trợ các QTDND trong suốt vòng đời hoạt động của quỹ, ông Nguyễn Đình Lưu - Phó Tổng Giám đốc BHTGVN cho biết: BHTGVN thực hiện các hoạt động từ cấp chứng nhận tham gia BHTG, giám sát thường xuyên, kiểm tra định kỳ, xử lý, cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản, phục hồi hoạt động, đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, niềm tin của người gửi tiền và thành viên quỹ về BHTG và trả tiền bảo hiểm khi phát sinh nghĩa vụ chi trả. 

Ở chiều ngược lại, QTDND cũng là một nhân tố quan trọng, là cầu nối giữa BHTGVN với người gửi tiền. Việc QTDND phối hợp với BHTGVN tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG giúp người gửi tiền nhận thức rõ về quyền và lợi ích của họ, tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước, hạn chế “tín dụng đen”, gia tăng sự tiếp cận các dịch vụ tín dụng của người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và giảm rủi ro đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống các TCTD.

Thông qua các giao dịch, nghiệp vụ về tiền gửi, QTDND trực tiếp tiếp xúc với người gửi tiền, qua đó có thể dễ dàng giải đáp thắc mắc của người gửi tiền, nhanh chóng góp ý với NHNN, BHTGVN và các cơ quan chức năng tại địa phương để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả chính sách.

Về yếu tố rủi ro đạo đức trong hoạt động của các QTDND, ông Lê Khương Ninh - Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Cần Thơ đã chỉ ra bản chất của rủi ro đạo đức trong hoạt động tài chính, các hình thức và tác hại của rủi ro đạo đức, cách phòng ngừa rủi ro đạo đức trong quá trình hoạt động và điều hành QTDND.

Ông Ninh cũng chia sẻ những giải pháp để hạn chế rủi ro đạo đức trong hoạt động tín dụng, gồm: Cung cấp kiến thức căn bản và giáo dục về pháp luật cho cán bộ làm viêc tại QTDND, đồng thời các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ để quản lý hoạt động của các quỹ và thường xuyên rà soát, thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các QTDND hoạt động yếu kém, vi phạm pháp luật.

Đọc thêm