Bảo hiểm y tế toàn dân: Góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, trung bình mỗi năm Quỹ bảo hiểm y tế thực hiện chi trả với số tiền hơn 100 nghìn tỷ đồng cho khoảng từ 160-185 triệu lượt người đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Điều này khẳng định, cùng với ngân sách nhà nước, Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) là nguồn tài chính đóng góp đáng kể cho việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.

Người dân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông bằng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID.

Người dân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông bằng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID.

Đảm bảo, mở rộng quyền lợi người tham gia BHYT

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có hơn 87,4 triệu người dân tham gia BHYT, với tỷ lệ bao phủ BHYT đạt gần 90% dân số. Trong đó, có khoảng 60 - 70% người tham gia BHYT sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh (KCB); tần suất KCB của người dân từ 2 - 2,1 lần/năm. Đây là tỷ lệ rất lớn, cho thấy vai trò quan trọng của chính sách BHYT trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của Đảng, Nhà nước ta.

Ngoài việc chi trả chi phí KCB thông thường, thời gian qua Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều trường hợp bệnh nặng, bệnh mạn tính khác như ung thư, tim mạch, suy thận đến các loại kỹ thuật cao như chi trả mổ rô bốt, mổ nội soi, chụp CT scanner...

Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm Quỹ BHYT chi trả khoảng từ 1.500 - 1.700 tỷ đồng cho bệnh nhân đặt stent động mạch vành và hàng ngàn tỷ đồng cho các bệnh nhân đặt thủy tinh thể nhân tạo. Chỉ cần nhìn ví dụ từ việc Quỹ BHYT đã chi trả cho hai vật tư nhân tạo này, có thể thấy người tham gia BHYT đang được hưởng lợi rất nhiều từ Quỹ BHYT, tính cộng đồng - sẻ chia đang thể hiện rõ ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT.

Theo số liệu thống kê trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT, từ 01/01/2021 đến 02/7/2021, cả nước có 75,58 triệu lượt KCB BHYT với số tiền đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là trên 48.774 tỷ đồng. Trong đó, hơn 68,6 triệu lượt KCB ngoại trú với số tiền đề nghị thanh toán là trên 18.740 tỷ đồng; gần 7 triệu lượt KCB nội trú với số tiền đề nghị thanh toán là trên 30.033 tỷ đồng.

Đáng chú ý, có đến 213 bệnh nhân có chi phí KCB BHYT đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán từ 0,5 - 1 tỷ đồng; 25 bệnh nhân có chi phí KCB BHYT đề nghị cơ quan BHXH thanh toán trên 1 tỷ đồng. Ví dụ như bệnh nhân có mã thẻ BT2868621620XXX (trú tại xã Trung Thành, Vũng Liêm, Vĩnh Long) đi KCB 02 lần tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh nhân được chẩn đoán “thiếu yếu tố VIII di truyền”, chi phí đề nghị quỹ BHYT thanh toán là 2,07 tỷ đồng. Hay bệnh nhân có mã thẻ TS2777722088XXX (trú tại khu phố Hòa Hội, Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu) đi KCB nội trú 1 lần tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân được chẩn đoán “sốc nhiễm khuẩn”, chi phí đề nghị Quỹ BHYT thanh toán là 1,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, quyền lợi người tham gia BHYT vẫn luôn được đảm bảo và thực hiện kịp thời. Cụ thể, BHXH Việt Nam đã tích cực cùng các bộ, ngành hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia BHYT trong chuyển tuyến, hẹn tái khám; cấp thuốc dài ngày, cấp thuốc cho người bệnh mạn tính từ 2-3 tháng, tránh cho người bệnh phải đến cơ sở y tế nhiều lần, hạn chế lây nhiễm COVID-19; trong thời gian bị cách ly y tế vì Covid-19, nếu chẳng may bị ốm, người bệnh được cấp phát thuốc và được Quỹ BHYT thanh toán như tất cả các trường hợp đúng tuyến…

Cân bằng mục tiêu “chia sẻ cộng đồng” và tính “bền vững”

Việc gia tăng số người tham gia BHYT, cũng như gia tăng số lượt KCB BHYT trên toàn quốc là tín hiệu đáng mừng cho thấy chính sách BHYT đang đi đúng định hướng và đã trở thành một nguồn tài chính đáng kể góp phần cùng ngân sách nhà nước trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe hiệu quả cho nhân dân. Tuy nhiên, điều đó cũng gia tăng áp lực với cơ quan quản lý Quỹ BHYT trong việc đảm bảo an toàn Quỹ vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT.

Từ năm 2016 đến nay, số chi KCB BHYT thường xuyên cao hơn Quỹ KCB BHYT được sử dụng trong năm, tỷ lệ sử dụng Quỹ KCB BHYT trong năm của năm 2016 là 112%, của năm 2017 là 123,1%, năm 2018 là 109,7%, năm 2019 là 119% và năm 2020 ước tính là 112%. Ước tính 6 tháng đầu năm 2021, số chi KCB BHYT tăng so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ 50 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 50% số dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2021.

Đặc biệt, tỷ lệ KCB BHYT không đúng tuyến, điều trị nội trú đều có xu hướng tăng cao... Mặt khác, tình trạng thống kê, thanh toán chi phí KCB BHYT không hợp lý, không đúng quy định, thanh toán khống chi phí KCB BHYT vẫn xảy ra như kê khống đơn thuốc, dịch vụ kỹ thuật, cấp khống giấy nghỉ ốm để hưởng BHXH…

Do vậy, các chuyên gia về an sinh xã hội cho rằng, để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, để mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe thì không còn cách nào khác là phải phát triển BHYT bền vững, bằng hai yêu cầu rất cơ bản đó là: Đạt bao phủ BHYT toàn dân và bảo đảm bền vững tài chính.

Nhằm đảm bảo việc sử dụng Quỹ KCB BHYT an toàn, hiệu quả, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT; giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ KCB BHYT…

Đồng thời, tích cực phối hợp với Bộ Y tế trong việc tham gia xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi; tập trung giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT…

Về mục tiêu tiếp tục phát triển BHYT toàn dân, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc tham gia BHYT của người dân, đặc biệt là giảm số người lao động tham gia BHYT ở những khu công nghiệp, do lao động mất việc làm. Trước những khó khăn này, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia BHYT bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm người, từng vùng miền thông qua phương tiện truyền thông trên môi trường Internet và các ứng dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube…)…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để phát triển BHYT bền vững, tiến tới BHYT toàn dân, điều kiện quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị, cũng như ý thức của người dân, cơ sở y tế về ý nghĩa của việc tham gia BHYT, gắn với việc đảm bảo an toàn và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

Do vậy, BHXH Việt Nam cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; cũng như phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHYT. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện hiệu quả chính sách BHYT toàn dân sẽ góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, đẩy lùi dịch COVID-19.

Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, việc tiếp cận các dịch vụ KCB BHYT của người tham gia đang ngày càng tốt hơn, điển hình như việc thực hiện chính sách thông tuyến huyện trong KCB BHYT từ năm 2016; thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh trong toàn quốc từ năm 2021. Theo đó hiện nay, người bệnh có thẻ BHYT có thể điều trị nội trú với bất cứ cơ sở KCB BHYT tuyến tỉnh nào trên toàn quốc, giúp người bệnh thuận tiện hơn trong việc KCB.