CHUNG TAY PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế thuốc lá chính là 'thuế sức khỏe'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là nhận định của TS. Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển về một số tác động của việc tăng thuế thuốc lá tới sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường.
TS. Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (Ảnh: MT)
TS. Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (Ảnh: MT)

Báo cáo “Chi phí y tế do sử dụng thuốc lá: Ước tính cập nhật cho Việt Nam” (tác giả Bale S, Hội Kinh tế Việt Nam, tháng 6/2023) cho thấy, sử dụng thuốc lá đã tạo nên gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động. Cụ thể, hơn 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Đáng lưu ý, phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, bị tử vong sớm.

Hệ lụy từ việc sử dụng thuốc lá không dừng lại ở sức khỏe cá nhân mà còn kéo theo gánh nặng lớn về kinh tế và lao động. Theo Hội Kinh tế Y tế Việt Nam (2022), chi phí điều trị và mất năng suất lao động do thuốc lá lên đến 108.000 tỷ đồng mỗi năm, tương đương 1,14% GDP.

Sử dụng thuốc lá đã gây ra gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động. Mỗi công dân Việt Nam bị ốm hoặc tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá đều làm suy giảm quy mô và chất lượng nguồn lao động của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá sẽ rõ rệt hơn trong 10 - 20 năm tới khi những người hút thuốc hiện nay phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá.

TS. Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (DEPOCEN) dẫn số liệu thống kê từ năm 2008 đến 2023 cho thấy: Dù thuế tăng, sản xuất và xuất khẩu thuốc lá vẫn tăng, trong khi số người tiêu dùng không giảm. Nếu như năm 1994, người tiêu dùng phải bỏ ra 31% thu nhập năm để mua 100 bao thuốc lá thì đến năm 2017, chỉ cần bỏ ra 5,2% thu nhập năm là đủ mua số lượng tương đương.

Theo TS. Ngọc Anh, thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế thuốc lá chính là “thuế sức khỏe”. Ông nhận định, một trong những rào cản lớn nhất khi đề xuất tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá là nỗi lo về buôn lậu thuốc lá. Theo đó, lập luận của các bên phản đối tăng thuế thuốc lá là tăng thuế sẽ làm tăng tiêu thụ thuốc lá lậu, dẫn tới tăng buôn lậu thuốc lá. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi thuế tăng, thuốc lá lậu không tăng mà giảm mạnh: Từ 20,2% (2012) xuống còn 13,72% (2017), theo điều tra GATS.

Hơn nữa, thuốc lá lậu không hề rẻ như thường nghĩ. Nghiên cứu của DEPOCEN chỉ ra: Giá thuốc lá lậu cao hơn thuốc lá hợp pháp. Mức chênh lệch này cao hơn rõ rệt ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc, mặc dù đây là những tỉnh có tỷ lệ thuốc lá lậu thấp nhất. Mức chênh lệch này đã tăng lên giữa năm 2012 và 2017.

Gần như toàn bộ thuốc lá lậu tập trung ở miền Nam, nhất là khu vực giáp ranh Campuchia – nơi các thương hiệu như Hero và Jet (không được phép bán hợp pháp tại Việt Nam) được tuồn vào nhiều nhất. Rất ít thuốc lá lậu được tìm thấy ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

Khảo sát cho thấy, khi việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá mới đang được dự thảo, thuế chưa tăng nhưng giá đã tăng. Theo khảo sát, có 26/65 hãng đã tăng giá, mức tăng trung bình 2.000 đồng/bao, khoảng gần 10%. Đồng thời, giá thuốc lá lậu cũng tăng tương ứng, dù thuốc lá nhập lậu không hề chịu thuế. Vì vậy, những lo ngại kia hoàn toàn không có cơ sở.

"Như vậy, tăng thuế TTĐB không phải là nguyên nhân làm gia tăng buôn lậu nếu đi kèm các biện pháp kiểm soát hiệu quả như truy xuất nguồn gốc, kiểm soát thị trường và nâng cao năng lực hải quan", TS. Ngọc Anh nhấn mạnh.

Trước một số ý kiến cho rằng, việc tăng thuế sẽ tác động trực tiếp tới người nông dân và người công nhân sản xuất thuốc lá; ngoài ra còn có bên vận chuyển, phân phối và bán lẻ, rồi lao động gián tiếp như cung cấp phân bón, bao gói sản phẩm phụ trợ…TS. Lê Hương Linh (Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn chứng, hiện số lượng lao động liên quan tới sản xuất thuốc lá chiếm dưới 0,4% tổng lao động trong cả nước - đây là một con số không đáng kể. Đáng chú ý, hiện số người làm việc trong nhà máy thuốc lá là hơn 10.000 người, đã giảm so với trước đây là 12.000 người.

"Sản lượng sản xuất thuốc lá tăng, tiêu dùng không giảm, nhưng số lao động giảm xuống do năng suất lao động tăng, do công nghệ cải tiến và tự động hóa. Dẫn điều này cho thấy thuế không phải là nguyên nhân làm ảnh hưởng tới người lao động. Lợi ích của việc tăng thuế thuốc lá lớn hơn nhiều với sự tác động tới người lao động", TS. Linh khẳng định.

Đọc thêm