Thông tin tại buổi làm việc, UBND TP.Đà Nẵng cho biết, sau bão số 11 đã có 11 người bị thương, bị sập hoàn toàn 122 nhà (quận Ngũ Hành Sơn nhiều nhất với 34 nhà), 178 nhà sập từng phần, 1.134 nhà bị tốc mái hoàn toàn, 4.317 nhà tốc mái một phần. Hiện, hệ thống cấp nước đã bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng phải đến ngày 20/10, toàn thành phố mới có điện. Tổng thiệt hại sau bão số 11 hơn 868 tỉ đồng. UBND thành phố đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 500 tỉ đồng để cùng ngân sách thành phố khắc phục hậu quả trước mắt.
Đối với Quảng Nam, thiệt hại sau bão khoảng 493 tỉ đồng do tốc mái 21.206 nhà (5.502 nhà tốc mái hoàn toàn), 290 nhà bị sập hoàn toàn, 34.270ha cây công nghiệp và lâm nghiệp ngã đổ, 5.374ha rau màu chìm trong nước… Đặc biệt, ông Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, dân cư sống ven các dòng sông Vu Gia, Thu Bồn thiệt hại nặng nề nhất còn do bởi thủy điện xả lũ khiến dòng chảy mạnh thêm.
Tại buổi làm việc, Quảng Nam đề nghị hỗ trợ khẩn cấp 345 tỉ đồng cho dân sinh, sửa chữa trường học, khôi phục nông nghiệp, xây đê chắn sóng khu neo đậu An Hòa, xây kè biển Cửa Đại (Hội An), kè chống xâm thực xã Tam Quang (TP.Tam Kỳ) cũng như trùng tu các nhà cổ Hội An…; mua 2 tấn Cloramin B và thuốc phục vụ phòng chống dịch bệnh sau bão.
Quảng Ngãi cũng bị ảnh hưởng ở một số huyện giáp ranh Quảng Nam, trong đó đảo Lý Sơn hứng bão nặng nhất. Toàn tỉnh có 9 nhà sập đổ, 577 nhà hư hỏng, chủ yếu của đồng bào nghèo, 1 tàu chìm và 30 tàu va đập hư hỏng. Tổng thiệt hại toàn tỉnh khoảng 65 tỉ đồng, tỉnh xin hỗ trợ 40 tỉ đồng, 500 tấn gạo.
Đối với Thừa Thiên Huế, sau bão có 669 nhà tốc mái, 17 nhà tạm bị sập, 190ha cao su, 390ha keo bị gãy đổ… gây thiệt hại 75 tỉ đồng về dân sinh và sản xuất, chưa kể thiệt hại cơ sở hạ tầng. UBND Thừa Thiên Huế xin Trung ương hỗ trợ 20 tỉ về dân sinh, 30 tỉ về kè biển để khắc phục sự cố sau lũ…