Trong khối này, Tài nguyên&Môi trường (TN&MT) là Bộ đang có nhiều Tổng cục nhất, bao gồm: Tổng cục Đất đai,Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam và Tổng cục Môi trường.
Cụ thể, Bộ TN&MT đã đề xuất Chính phủ giữ lại 2 Tổng cục Đất đai và Khí tượng Thủy văn; sẽ tiến hành sắp xếp lại 3 Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Địa chất Khoáng sản Việt Nam và Môi trường thành 8 Cục chức năng thuộc Bộ.
Được biết, trong số 3 đơn vị dự kiến bị “xóa” tên, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Tổng cục Môi trường đã hoạt động theo mô hình Tổng cục từ năm 2008. Riêng Cục Địa chất Khoáng sản được nâng lên thành Tổng cục từ tháng 5/2011.
Bộ máy 3 Tổng cục nói trên có từ 14 đến hơn 20 Vụ, Cục quản lý nhà nước và các đơn vị trực thuộc, được bố trí ở nhiều địa trong cả nước.
Theo đó, Bộ TN&MT đề xuất cơ quan chức năng xem xét việc sắp xếp lại các đơn vị này theo hướng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ được tách thành 2 Cục trực thuộc Bộ, gồm: Cục Điều tra, Quy hoạch biển, hải đảo và Cục Quản lý tổng hợp biển và hải đảo. Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam được tổ chức lại thành 2 Cục: Địa chất Việt Nam; Khoáng sản.
Riêng Tổng cục Môi trường được đề xuất tổ chức lại thành 4 Cục: Bảo vệ môi trường; Quản lý chất lượng môi trường; Quy hoạch và Đánh giá tác động môi trường; Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học.
|
Dự kiến Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ được tổ chức lại thành 2 Cục thuộc Bộ GTVT |
Tương tự với công tác sắp xếp bộ máy nói trên, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng đề xuất cơ quan có thẩm quyền sắp xếp lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo hướng thành 2 Cục thuộc Bộ GTVT đó là Cục Đường bộ và Cục Quản lý đường cao tốc.
Năm 2010, Cục Đường bộ Việt Nam được nâng lên thành Tổng cục Đường bộ Việt Nam, và đây là Tổng cục được Bộ GTVT tổ chức thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng vào năm 2014.
So với các Tổng cục thuộc Bộ TN&MT, thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhỉnh hơn về quy mô, với các Vụ, Cục chức năng, các trường đào tạo nghề và các ban quản lý dự án được bố trí khắp ba miền.
Bộ GTVT hiện đang có một số cục chuyên ngành như Cục Hàng không, Hàng hải…, nhưng trong bộ máy không có quá nhiều đơn vị sự nghiệp trực thuộc như ở ngành Đường bộ. Chẳng hạn riêng khối quản lý dự án, Tổng cục này đang có tới 4 Ban, với hơn 200 nhân sự, trong khi các Cục khác của Bộ GTVT thì không có đơn vị làm chức năng quản lý dự án…
“Bộ GTVT đã trình đề án lên Chính phủ và việc sắp xếp lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam chắc sẽ sớm diễn ra”, một lãnh đạo Tổng cục này trao đổi với PLVN.
Các Cục thuộc Bộ không còn Ban quản lý dự án
Ngoài việc sẽ sắp xếp lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT cũng dự kiến sẽ giải tán 3 Vụ, trong đó có Vụ ra đời, đi vào hoạt động trong một thời gian ngắn.
Trước đó (2017), Bộ GTVT cũng đã sáp nhập, hợp nhất Ban quản lý dự án An toàn giao thông vào Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án 1 vào Ban Quản lý dự án Thăng Long.
Ban Quản lý dự án đường thủy phía Bắc và phía Nam thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã được hợp nhất thành Ban Quản lý các dự án đường thủy thuộc Bộ GTVT. Ban Quản lý dự án Hàng hải 2 và một phần Ban Quản lý dự án hàng hải 3 thuộc Cục Hàng hải Việt Nam đã về trực thuộc Bộ GTVT.