Báo Pháp luật Việt Nam để lại nhiều dấu ấn, hiệu ứng tốt

(PLVN) - Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, Báo Pháp luật Việt Nam đã thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng “cầu nối”, là nguồn cung cấp chất liệu từ cuộc sống đến với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, người có thẩm quyền, trong đó có các đại biểu Quốc hội, góp phần tăng cường năng lực phản ứng chính sách.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển phát biểu tại hội trường Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)

Thưa Đại biểu, ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí đối với dòng chảy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?

Thực tiễn cho thấy, báo chí luôn là hoạt động quan trọng, tác động trực tiếp đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, của các tầng lớp Nhân dân. Trong suốt thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hệ thống báo chí tiếp tục khởi sắc, phát triển mạnh mẽ, không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng; nhờ đó tính hiệu quả trong tuyên truyền được nâng cao, khẳng định rõ nét hơn vị trí, vai trò đặc biệt của báo chí cách mạng trong đời sống xã hội.

Đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật nói riêng, ông nhìn nhận như thế nào về những đóng góp của các cơ quan báo chí trong thời gian qua, thưa Đại biểu?

- Trong công tác pháp luật, tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định mục tiêu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán.

Qua theo dõi, tôi nhận thấy, với vai trò là phương tiện thông tin thiết yếu đối với xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, báo chí đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Hiến pháp và pháp luật, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đồng thời, nhiều cơ quan báo chí đã và đang thực hiện tốt một nhiệm vụ không kém phần quan trọng, đó là kịp thời ghi nhận, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức, cá nhân, cũng như những vấn đề phát sinh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; từ đó, cung cấp thông tin đầu vào cho công tác nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật, góp phần hiện thực hóa chủ trương từng bước đổi mới cơ chế thi hành pháp luật theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật.

Là người có thời gian gắn bó lâu dài với Bộ, ngành Tư pháp, ông đánh giá thế nào về các hoạt động của Báo Pháp luật Việt Nam thời gian qua?

- Cũng như nhiều người làm việc trong lĩnh vực pháp luật và đặc biệt có thời gian gắn bó với Bộ, ngành Tư pháp, tôi rất vui mừng vì Báo Pháp luật Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để bắt nhịp với đời sống pháp luật và tư pháp của đất nước. Là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, Báo đã tổ chức nhiều chuyên trang, chuyên mục trên cả báo in, báo điện tử để thông tin về các hoạt động của Bộ, ngành trên khắp các vùng, miền của đất nước với nhiều tin, bài, để lại dấu ấn, hiệu ứng tốt.

Thông qua các bài viết về công tác pháp luật, tư pháp chứa đựng những ý kiến góp ý, phản biện trên tinh thần xây dựng đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, về thực tiễn thi hành pháp luật, Báo đã thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng “cầu nối”, là nguồn cung cấp chất liệu từ cuộc sống đến với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, người có thẩm quyền, bao gồm cả các vị đại biểu Quốc hội, góp phần tăng cường năng lực phản ứng chính sách.

Báo cũng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền theo chuyên đề dưới các hình thức phong phú, đa dạng, truyền tải một cách sinh động, dễ hiểu giúp chủ trương, chính sách, quy định pháp luật thấm vào đời sống; kiến nghị nhiều giải pháp tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, chú trọng công tác cải cách hành chính, nhất là trong các lĩnh vực liên quan mật thiết đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, sự kiện và hoạt động xã hội có ý nghĩa do Báo tổ chức đã lan tỏa tích cực những giá trị tốt đẹp, nhân ái trong xã hội.

Ông có thể nêu một số ý kiến đóng góp để báo chí nói chung, Báo Pháp luật Việt Nam nói riêng có thể phát huy hơn nữa vai trò của mình đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian tới?

- Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng chuyển đổi số đem tới những cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với công tác báo chí hiện nay. Trong đó, yêu cầu quan trọng đối với các cơ quan báo chí nói chung là phải không ngừng đổi mới về phương thức hoạt động để có thể tận dụng những lợi thế của công nghệ phục vụ cho việc thông tin một cách kịp thời, chính xác, khách quan; đồng thời, tạo kênh kết nối, khơi gợi các ý tưởng, giải pháp cho những vấn đề đã và đang đặt ra từ cuộc sống.

Đối với Báo Pháp luật Việt Nam, bên cạnh việc đổi mới để phù hợp với xu hướng chung của báo chí như đã nêu trên, là tờ báo chuyên về pháp luật và tư pháp, tôi cho rằng Báo cần tiếp tục bám sát tôn chỉ mục đích, phát huy hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo để có thể đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật với mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Tôi cũng tin tưởng rằng, với kinh nghiệm đã đúc kết qua chặng đường 39 năm xây dựng và phát triển, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước, trở thành chỗ dựa pháp lý tin cậy cho bạn đọc, người dân và doanh nghiệp. Qua đó, Báo cũng sẽ ngày càng tích lũy, làm giàu thêm tài sản lớn mà mình đã có được là tình cảm, sự tin yêu của những người làm công tác pháp luật, tư pháp và đội ngũ người làm báo yêu nghề, luôn phấn đấu, cống hiến vì đất nước, vì Nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương: Pháp luật Việt Nam có những bài viết “giải tỏa” nhiều vấn đề “nóng”

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân.

Thời gian qua, báo chí nói chung, trong có Pháp luật Việt Nam đã làm tốt vai trò “giám sát và phản biện” với ngành Công Thương của chúng tôi. Báo phản ánh khá trung thực, khách quan, kịp thời, đúng và trúng về nhiều hoạt động của ngành. Các bài viết đã góp phần rất tích cực vào việc phản ánh những thành tựu, vấn đề nổi cộm, bức xúc cũng như đề xuất giải pháp giải quyết khó khăn, bất cập, góp phần để ngành đóng góp hiệu quả hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Báo Pháp luật Việt Nam là một trong những kênh kết nối hiệu quả giữa Bộ Công Thương với dư luận, kịp thời tuyên truyền có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, các giải pháp của Chính phủ, của Bộ Công Thương đang thực hiện hàng ngày, từ đó giúp người dân, doanh nghiệp có được thông tin chính xác, kịp thời về những hoạt động của ngành.

Cụ thể, Báo đã cùng với các kênh thông tin có nhiều bài viết “giải tỏa” các vấn đề “nóng” thuộc lĩnh vực của ngành như hóa đơn tiền điện, tăng giá điện ra sao cho hợp lý, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu... Đồng thời, phản biện có tính chất xây dựng về những vấn đề mà Bộ chúng tôi quản lý trong suốt thời gian qua như: lĩnh vực quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, việc xây dựng chính sách cho vấn đề thuốc lá điện tử, tổ chức bộ máy của lực lượng quản lý thị trường…

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương luôn theo sát, nắm bắt thông tin và thẳng thắn nhìn nhận các vấn đề mà báo chí trong đó có Báo Pháp luật Việt Nam nêu ra, coi đây là một trong những căn cứ để chắt lọc, tham mưu các vấn đề thuộc lĩnh vực mình phụ trách, từ đó đưa ra những chính sách quản lý phù hợp và hiệu quả hơn. Chúng tôi trân trọng sự đóng góp của báo chí nói chung và của Báo Pháp luật Việt Nam nói riêng!

Nhật Thu (ghi)

Đọc thêm