Nhiều kiến nghị qua giám sát được tiếp thu, khắc phục
Cùng với chức năng lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát là 1 trong 3 chức năng cơ bản của Quốc hội (QH) nước ta. Hoạt động giám sát của QH không chỉ nhằm mục đích đưa pháp luật vào cuộc sống, bảo đảm cho luật pháp được thi hành nghiêm và thống nhất mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Trong đó, giám sát tối cao là “việc QH theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH và xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý. Giám sát tối cao được thực hiện tại kỳ họp QH”. Đối tượng bị giám sát tối cao của QH là các cơ quan, chức danh ở cấp cao nhất, do QH thành lập, phê chuẩn.
Mục đích hoạt động giám sát tối cao của QH nhằm đảm bảo cho những quy định của Hiến pháp và pháp luật được thi hành triệt để, nghiêm minh và thống nhất. Các hoạt động giám sát tối cao của QH bao gồm xem xét báo cáo công tác của đối tượng bị giám sát tối cao; xem xét văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH; xem xét việc trả lời chất vấn của những người bị chất vấn; xem xét báo cáo giám sát chuyên đề; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn…
Theo PGS.TS Tào Thị Quyên - Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), thời gian qua, hoạt động giám sát tối cao của QH có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả tích cực. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn không ngừng được đổi mới, hoàn thiện theo hướng “hỏi nhanh - đáp gọn”; thời gian chất vấn được tăng từ 2,5 ngày lên 3 ngày, số lượng chất vấn tăng. Hoạt động giám sát chuyên đề cũng tiếp tục được hoàn thiện và có nhiều đổi mới theo hướng tinh gọn, có chiều sâu. Nhiều chuyên đề giám sát đi vào những vấn đề lớn, “nóng” được cử tri quan tâm. Thông qua đó, nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với hoạt động của QH.
Hoạt động “hậu giám sát” được đặc biệt quan tâm tăng cường, thể hiện thái độ, trách nhiệm của QH trong việc giám sát đến cùng đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều kiến nghị qua giám sát được tiếp thu, khắc phục, góp phần thúc đẩy việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH, bảo đảm xem xét và giải quyết những vấn đề được dư luận và các cử tri quan tâm, góp phần làm cho hoạt động của QH trở nên sôi động, thiết thực, được Nhân dân hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ.
Xác định rõ hơn đối tượng, phạm vi, hình thức giám sát
PGS.TS Tào Thị Quyên kiến nghị tăng số lần lấy phiếu tín nhiệm (ít nhất 2 lần) trong một nhiệm kỳ của QH. Bởi, nếu chỉ lấy tín nhiệm một lần trong một nhiệm kỳ sẽ dẫn đến tình trạng “yên tâm tại vị” ít nhất là đến hết nhiệm kỳ. Việc lấy phiếu tín nhiệm nhiều lần trong một nhiệm kỳ sẽ thúc đẩy các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm thường xuyên nâng cao trách nhiệm và phải cố gắng thường xuyên, liên tục trong quá trình đương nhiệm. |
Bên cạnh đó, PGS.TS Tào Thị Quyên cũng chỉ ra rằng, cơ sở pháp lý và hoạt động giám sát tối cao của QH vẫn còn có những hạn chế, bất cập. Điển hình là việc thực hiện các nghị quyết sau giám sát có trường hợp còn chưa đáp ứng được yêu cầu do chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan mà chỉ dừng lại ở trách nhiệm chính trị, chưa có biện pháp và chế tài xử lý phù hợp; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện còn chưa thường xuyên, thống nhất và có hệ thống nên hiệu lực, hiệu quả của kiến nghị sau giám sát chưa cao…
Nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” (Nghị quyết số 27) đặt ra những yêu cầu đối với hoạt động giám sát tối cao của QH. Đó là tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của QH; bảo đảm QH thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp... Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và các cơ quan báo chí trong giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước.
PGS.TS Tào Thị Quyên cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát tối cao của QH đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, cần tập trung thực hiện một số giải pháp. Đó là, tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn đối tượng, phạm vi, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của QH; bảo đảm hoạt động giám sát được tiến hành thường xuyên, liên tục, bám sát thực tiễn; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát VBQPPL, chú trọng việc theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; đẩy mạnh giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật; thường xuyên đánh giá việc thực hiện các nghị quyết, kết luận giám sát; tiến hành giám sát lại khi cần thiết.
Cùng với đó, đổi mới hoạt động chất vấn tại kỳ họp QH. Theo đó, QH cần tập trung chất vấn những nội dung lớn, vĩ mô; đồng thời, chất vấn đột phá vào một số cơ quan, đơn vị khu vực công; hành chính, dịch vụ công đang tồn tại nhũng nhiễu, tiêu cực; chất vấn đột phá vào những người đứng đầu một số lĩnh vực, địa bàn có nhiều biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Tại phiên toàn thể, có thể lựa chọn tối đa 2 - 3 thành viên Chính phủ với 2 - 3 vấn đề trọng tâm để chất vấn, thay vì 4 - 5 thành viên Chính phủ như hiện nay. “Phương thức chất vấn này vừa cho phép các đại biểu và người bị chất vấn có thể trao đổi kỹ hơn về vấn đề đưa ra chất vấn; mặt khác, có thể tiết kiệm được thời gian thảo luận của QH”, bà Tào Thị Quyên nhận định.
Đồng thời, gắn kết quả hoạt động giám sát tối cao của QH với hoạt động lập pháp để kịp thời kiến nghị, đề xuất bổ sung hoặc bãi bỏ VBQPPL. Gắn kết chặt chẽ giám sát bằng báo cáo, qua khảo sát, qua chất vấn và các kết quả thanh tra, kiểm tra, nhất là kết quả kiểm toán nhà nước. PGS.TS Tào Thị Quyên dẫn chứng, hàng năm, Kiểm toán Nhà nước đều có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán, danh mục các cuộc kiểm toán thực hiện. Vì vậy, QH nên nghiên cứu thêm một trong hướng tiếp cận khi lựa chọn chủ đề giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trên cơ sở khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán đã thực hiện.
Gắn kết giám sát tối cao của QH với giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân. Bổ sung các nguyên tắc, quy định về cơ chế phối hợp giữa hoạt động giám sát tối cao của QH với hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị QH kế hoạch, nội dung giám sát phù hợp, tập trung vào những vấn đề mà người dân và dư luận xã hội đang quan tâm…
Tại Kỳ họp thứ 8 khai mạc vào tháng 10 tới, QH sẽ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND. Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật diễn ra chiều 15/8, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng, các văn kiện có liên quan đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của QH và HĐND như Nghị quyết số 27; Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 của Đảng đoàn QH về Đề án tiếp tục nâng cao, đổi mới chất lượng hoạt động giám sát của QH.