Thương vụ Tập đoàn Bảo Sơn mua lại Tập đoàn Bảo Long đang thu hút sự chú ý của dư luận. Đằng sau việc chuyển nhượng có phải là âm mưu nhằm thôn tính hay là sự cứu vớt một doang nghiệp (DN) đang lâm cảnh nợ nần chồng chất?
Ngày 3/3/2011, ông Nguyễn Hữu Khai, Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Long và ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Sơn ký Hợp đồng “chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản DN cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm”. Theo đó, Bảo Long chuyển nhượng cho Bảo Sơn 100% vốn cổ phần của các cổ đông và phần vốn góp bổ sung của các cổ đông với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ diện tích đất, tài sản xây dựng trên đất, bản quyền thương hiệu sản phẩm 3 đơn vị thành viên là Cty CP Tập đoàn y dược Bảo Long, Trường võ thuật Bảo Long, Bệnh viện Đa khoa Bảo Long với tổng giá trị là 227,5 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. |
Sau khi thanh toán 100% giá trị hợp đồng là 227,5 tỷ đồng, Bảo Sơn tiếp tục cho Bảo Long vay bằng 2 hợp đồng khoán kinh doanh, đầu tư kinh doanh đảm bảo sản xuất với tổng giá trị 10 tỷ đồng. Lúc này, so với báo cáo ban đầu của Bảo Long là 286 tỷ thì số tiền vay mà Bảo Long còn phải trả là 286-237 tỷ = 49 tỷ đồng.
Ngày 4/5/2011, Bảo Sơn nhận được một báo cáo tiếp theo của Bảo Long với số tiền vay tại thời điểm đó lên đến 145,7 tỷ đồng. Như vậy, so với báo cáo ban đầu nợ gốc đã tăng lên tới 141,7 tỷ- 49 tỷ = 96,7 tỷ đồng.
Bảo Sơn lại ký tiếp 2 hợp đồng cho Bảo Long vay 4,5 tỷ đồng và 80 tỷ đồng, đã giải ngân được 41,8 tỷ đồng. Đồng thời Bảo Sơn đã mua lại Trường trung cấp Y dược Bảo Long với giá trị chuyển nhượng là 5 tỷ đồng. Hợp đồng vay vốn 80 tỷ đồng đã không được giải ngân tiếp vì Bảo Sơn nhận thấy có nhiều dấu hiệu không trung thực trong các báo cáo của Bảo Long cả về tổng số tiền họ nợ khách hàng và lãi suất hàng tháng mà Bảo Long phải trả cho các chủ nợ.
Mặc dù không thể tiếp tục cho Bảo Long vay được nữa nhưng Bảo Sơn vẫn tạo điều kiện cho Bảo Long tiếp tục sản xuất bằng cách cho Bảo Long thuê toàn bộ địa điểm mà Bảo Sơn đã mua của Bảo Long với giá 500 triệu đồng/ tháng. Nhưng từ tháng 6/2011 đến nay, Bảo Long không những không trả tiền thuê mà còn chiếm giữ không cho người của Tập đoàn Bảo Long - Bảo Sơn vào tiếp quản, đuổi công nhân ra khỏi nhà xưởng.
Sau khi Bảo Sơn và các cổ đông mới đã mua lại 100% vốn cổ phần xác định đầy đủ quyền sở hữu Cty Bảo Long, ngày 25/5/2011, Chủ tịch HĐQT Cty Bảo Long đã ký hợp đồng lao động số 03/HĐLĐ/2011 với ông Khai, thuê ông Khai làm Tổng giám đốc và ông Khai đã chuyển một số máy móc vào miền Nam để sản xuất riêng; đưa việc khám chữa bệnh ra ngoài bệnh viện để khám chữa bệnh thu tiền riêng; báo cáo công nợ, kết quả kinh doanh thiếu trung thực… Nên ngày 6/6/2011, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Long đã ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc và chấm dứt hợp đồng lao động với ông Khai.
Đại diện Tập đoàn Bảo Sơn cho biết, mặc dù ông Khai còn nợ 51,8 tỷ đồng từ tháng 5/2011 đến nay không trả lãi vay và nợ gốc nhưng Bảo Sơn chỉ để họ xác nhận công nợ mà không đòi ráo riết. Trước tình hình sản xuất của Bảo Long tháng nào cũng lỗ và công nợ thì chồng chất nên ngày 11/7/2011, ông Khai, bà Lê Thúy Hằng (vợ ông Khai) và ông Nguyễn Hữu Sinh (em ruột ông Khai) phải ký cam kết đã thực hiện xong chuyển nhượng 100% vốn là đúng pháp luật và không có kiện cáo bất cứ điều gì.
Liên quan đến vấn đề cho công nhân nghỉ việc, đại diện Tập đoàn Bảo Sơn cho hay ngay sau khi ông Khai, bà Hằng và ông Sinh ký biên bản thỏa thuận tiếp nhận toàn bộ CBCNV của Cty Cổ phần Tập đoàn y dược Bảo Long, Trường võ thuật Bảo Long, Bệnh viện Đa khoa Bảo Long và ký hợp đồng với Cty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long thì ngày 9/6/2011 ông Khai đã ký thông báo ngừng tiếp nhận bệnh nhân nội trú và học sinh nội trú. Sau đó, ngày 10/6/2011, ông Khai ra Quyết định số 344 cho 87 CBCNV sản xuất thôi việc tạm thời và Quyết định số 351 ngày 15/6/2011 cho 29 CBCNV thuộc Cty TNHH Bệnh viện Đa khoa Bảo Long nghỉ việc tạm thời. Ngày 8/6/2011, Giám đốc bệnh viện Bảo Sơn gửi thông báo cho ông Khai và cán bộ công nhân viên làm việc tại bệnh viện Bảo Long cũ với nội dung: những ai có nhu cầu sang làm việc tiếp tại Bảo Sơn thì sẵn sàng tiếp nhận nhưng Bảo Long ngăn cấm nên ngày 22/8/2011 đã xảy ra xô xát giữa nhóm nhân viên này và ông Khai.
Tập đoàn Bảo Sơn cho biết, hiện việc đầu tư xây dựng bệnh viện của Bảo Sơn tại khu đất mới chuyển nhượng của Bảo Long đang bị ông Khai đứng ra ngăn cản và công bố sẽ đình chỉ hoạt động xây dựng của các công ty đang thi công cải tạo bệnh viện cho Bảo Sơn. Ngày 6/9/2011, ông Khai đã huy động lực lượng đào bới hệ thống ống nước, hệ thống điện trong dự án của Bảo Sơn và yêu cầu CBCNV các đơn vị đang thi công của Bảo Sơn phải rời khỏi hiện trường.
Việc Tập đoàn Bảo Sơn mua 100% vốn cổ đông của 3 công ty nói trên theo giá mà Bảo Long đề nghị là 227 tỷ đồng mà không hề thêm bớt. Theo ông Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch HĐQT Bảo Sơn là do mối quan hệ bạn bè, bằng hữu vốn khá tốt giữa ông và ông Khai trước đây để giúp đỡ Bảo Long trước các khoản nợ chồng chất. Tuy nhiên, sự giúp đỡ này không những không được ghi nhận mà còn bị hiểu sai là sự ‘thôn tính”, bị vu khống là lừa lọc. Tuy nhiên, qua những tài liệu, hợp đồng ký kết giữa hai bên cho thấy hiện còn rất nhiều khoản nợ mà ông Khai hiện vẫn chưa thanh toán cho Bảo Sơn.
P.V.