“Bảo tàng” đồ cổ của lão nông U70

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hơn 40 năm dành niềm đam mê với đồ cổ, ông Nguyễn Văn Chẳng đã chi hàng trăm triệu đồng để sở hữu nhiều món có niên đại cả trăm năm. Từ thú vui được nhiều người cho là “tốn kém, xa xỉ”, người đàn ông này đã biến đam mê thành nguồn thu nhập cho gia đình lúc tuổi xế chiều.
Ông Nguyễn Văn Chẳng (trái) giới thiệu những món đồ cổ nằm trong bộ sưu tập.
Ông Nguyễn Văn Chẳng (trái) giới thiệu những món đồ cổ nằm trong bộ sưu tập.

Kho tài sản vô giá

Có mặt tại nhà ông Nguyễn Văn Chẳng (còn gọi là ông Tám Chẳng, 63 tuổi) tại xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, quan sát ngôi nhà rộng khoảng 40m2 của ông, nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ, ngỡ ngàng trước những món đồ bằng gỗ quý hiếm được bày tại đây.

Trò chuyện với PV, ông Chẳng cho biết sở thích sưu tầm, đam mê đồ cổ đã theo ông hơn 40 năm qua. Ban đầu ông chỉ sưu tầm những cổ vật có giá trị nhỏ, dần dần khi kinh nghiệm đã dày dặn ông bắt đầu tìm những món có giá trị và niên đại lâu hơn. Cứ thế tích lũy, suốt nhiều năm ròng rã, chỉ cần nghe ngóng ở đâu có đồ cổ quý là ông Chẳng lại khăn gói lên đường.

Ông Chẳng kể: “Tôi đam mê chơi đồ cổ từ thời còn thanh niên, lúc đó tôi chỉ muốn sưu tầm vài món nhỏ để trưng bày thỏa sở thích. Dần dần, khi niềm đam mê ngày càng lớn cộng thêm có kinh nghiệm, tôi bắt đầu tìm và mua những món khác. Để sưu tầm được những món này, tôi không ngại lặn lội ra Huế hay xuống Bạc Liêu để tìm và sở hữu được chúng”.

Tham quan một vòng không gian trưng bày, ông Chẳng phấn khích giới thiệu cho chúng tôi những món đồ được ông sưu tầm từ: tiền cổ, đồ đồng, tủ, bàn, ghế, đồng hồ và đặc biệt là chiếc long sàng có tuổi đời hơn trăm năm.

Chia sẻ thêm về sở thích này, ông Chẳng cho rằng mình là người may mắn và có “duyên”, vì nhiều món đồ không phải cứ có tiền là mua được. Đối với ông, ngoài việc sưu tầm để được thỏa mãn với niềm đam mê của bản thân, hơn hết, ông muốn con cháu trong gia đình hiểu hơn về nét văn hóa và lịch sử dân tộc. Chính vì thế có nhiều người đã ngỏ ý trả giá hàng trăm triệu đồng để ông Chẳng nhượng lại một vài món đồ nhưng đều nhận lại cái lắc đầu từ ông.

Để có được bộ sưu tập như hiện nay, ông Chẳng đã không ít lần gặp khó vì chi phí không đủ. Theo ông Chẳng, để thỏa niềm đam mê thì phải nỗ lực ra sức lao động nhiều hơn nữa. Như hồi năm 2000, ở TP Cần Thơ có người kêu bán tấm hoành dài 1,2m, rộng 0,8m với giá 20 triệu đồng. Thế là ông về bỏ công chăm sóc mảnh vườn rồi chiết 1.000 nhánh bưởi giống để bán có tiền mua cho bằng được.

Chiếc long sàng có tuổi đời hơn trăm năm được nhiều người trả giá 600 triệu nhưng ông Chẳng nhất quyết không bán.

Chiếc long sàng có tuổi đời hơn trăm năm được nhiều người trả giá 600 triệu nhưng ông Chẳng nhất quyết không bán.

Từ đam mê tạo ra thêm nguồn thu nhập

Không chỉ làm nông giỏi, ông Chẳng còn uyển chuyển biến thú vui tao nhã của mình thành nguồn thu kinh tế cho gia đình. Từ sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, nhà ông Chẳng rộn ràng hơn khi tiếp đón các đoàn khách du lịch đến tham quan.

Ông Chẳng cho biết, hiện trung bình một tháng nhà ông tiếp đón gần 100 khách tham quan. Ngoài giới thiệu những món cổ vật, mọi người đến đây còn được tự tay hái và mang về những loại trái cây đặc sản ngay tại vườn (gần 15ha) của gia đình. Từ những hoạt động này góp phần thêm thu nhập cho gia đình.

Bà Lữ Ngọc Anh (đại diện khu nghỉ dưỡng Azerai Cần Thơ) cho biết, cơ sở thường xuyên tổ chức các tour du lịch, trong đó có đến tham quan nhà ông Chẳng vì đây là ngôi nhà độc nhất tại xã Mỹ Hòa. Gian nhà chính là nơi trưng bày đồ cổ, được ông giữ nguyên vẹn theo nét kiến trúc đậm chất xưa của miền Tây, nên khách du lịch nước ngoài vừa đến đây đã tỏ ra rất thích thú. Hơn hết, nhiều đoàn khách đến đây đều cảm mến sự nhiệt tình tiếp đón, sự chân chất thật thà của ông Chẳng.

Không riêng với khách nước ngoài, một bạn trẻ đến thăm nhà của ông Chẳng cho biết: “Ngoài tham quan cổ vật, khi đến đây em còn được hóa thân vào khung cảnh nơi này và có những bộ ảnh đẹp mà không phải nơi nào cũng có. Nhất là sau đó còn được chú Tám Chẳng dẫn tham quan vườn trái cây và hái mang về”.

Nhờ sự chân chất, nhiệt tình và niềm đam mê với đồ cổ mà gia đình ông Chẳng có thêm nguồn thu nhập. Chia sẻ thêm dự định trong thời gian tới, ông Chẳng cho biết sẽ xây thêm gian nhà dẫn từ cổng vào nhà mát và tôn tạo các vị trí trưng bày để du khách thoải mái hơn khi ngồi xem các cổ vật. Đồng thời, ông sẽ tiếp tục sưu tầm những món đồ cổ đến khi nào hết sức lao động thì thôi, vì đó là niềm đam mê lớn nhất cuộc đời ông.

Đọc thêm