Vẻ đẹp mê hoặc của các cụm tháp Chăm ở Bình Định

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đến Quy Nhơn, hẳn nhiều người sẽ được nghe những câu ca dao mà người dân phố biển nơi đây yêu thích, thuộc lòng: “Cầu Đôi nằm cạnh tháp Đôi/ Vật vô tri còn đèo bòng duyên đôi lứa huống chi tôi với mình” hay như: “Cầu Đôi liền với tháp Đôi/ Quanh năm quấn quýt như tôi với nàng”…
Cụm tháp Đôi là một công trình kiến trúc độc đáo, dấu tích văn hóa Chăm còn lại khá nguyên vẹn trên đất Quy Nhơn ngày nay (ảnh: Dũng Nhân).
Cụm tháp Đôi là một công trình kiến trúc độc đáo, dấu tích văn hóa Chăm còn lại khá nguyên vẹn trên đất Quy Nhơn ngày nay (ảnh: Dũng Nhân).

Tháp Đôi trong những câu ca dao trên chính là một công trình kiến trúc độc đáo, dấu tích văn hóa Chăm còn lại khá nguyên vẹn trên đất Quy Nhơn ngày nay.

Cụm tháp Đôi tọa lạc ở đường Trần Hưng Đạo (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) nằm trong khuôn viên có diện tích khoảng 6.000m2 được tô điểm với những hàng cây xanh mát và thảm cỏ xanh, đây là một địa điểm lý tưởng cho du khách dừng chân thưởng lãm.

Cụm tháp Đôi gồm tháp lớn cao khoảng 25m, tháp nhỏ cao 23m (ảnh: Dũng Nhân).
Cụm tháp Đôi gồm tháp lớn cao khoảng 25m, tháp nhỏ cao 23m (ảnh: Dũng Nhân).

Theo các nhà nghiên cứu, cụm tháp Đôi có niên đại cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XIII, với cấu trúc độc đáo, gồm 2 tháp: tháp lớn cao khoảng 25m, tháp nhỏ cao 23m, cửa chính của 2 tháp đều quay về hướng Nam. Cụm tháp được xây bằng gạch nung xếp khít với nhau bằng một thứ chất kết dính đặc biệt, một kỹ thuật xây độc đáo chỉ có ở người Chăm mà ngày nay người ta vẫn chưa giải mã được.

Các góc tháp được trang trí bằng nhiều tượng chim thần Garuda, tạp chủng đầu voi mình sư tử và hình người ngồi có 6 hoặc 8 tay bằng đá theo tín ngưỡng của người Chăm. Tất cả đều được chạm khắc rất tinh xảo, sinh động. Bên trong tháp lớn thờ linh vật Linga và Yoni thông qua biểu tượng cối và chày giã gạo.

Cụm tháp Bánh Ít là một khu di tích đẹp, đặc sắc và còn lại nhiều tháp nhất của vương quốc Chăm Pa trên mảnh đất Bình Định (ảnh: Dũng Nhân).
Cụm tháp Bánh Ít là một khu di tích đẹp, đặc sắc và còn lại nhiều tháp nhất của vương quốc Chăm Pa trên mảnh đất Bình Định (ảnh: Dũng Nhân).

Khi đi qua đoạn cầu Bà Di nằm trên quốc lộ 1A thuộc xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), du khách sẽ thấy chon von những ngọn tháp cao trên đỉnh đồi in nền trên nhánh sông Côn, đó chính là cụm tháp Bánh Ít. Đây là một khu di tích đẹp, đặc sắc và còn lại nhiều tháp nhất của vương quốc Chăm Pa trên mảnh đất Bình Định.

Cụm tháp Bánh Ít được tạo lập vào giai đoạn cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII, gồm 4 tháp: tháp chính, tháp cổng, tháp bia, tháp hỏa. Mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt mang sắc thái khác nhau, trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá.

Tháp chính cao hơn 29m, nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít lá gai, có một cửa chính ở phía Đông và 3 cửa giả. Ðây là kiến trúc Kalan với cửa chính nhô ra khỏi mặt tường đến 2m, vòm cửa hình mũi giáo, chính giữa vòm có phù điêu mặt Kala, diềm mái vòm là một băng phù điêu hình khỉ thần HaNuMan đang múa.

Vẻ đẹp mê hoặc của cụm tháp Bánh Ít nhìn từ trên cao (ảnh: Dũng Nhân).
Vẻ đẹp mê hoặc của cụm tháp Bánh Ít nhìn từ trên cao (ảnh: Dũng Nhân).

Tháp cổng cao chừng 13m, xây trên bình đồ hình vuông. Vì có chức năng làm cổng nên tháp này có 2 cửa thông nhau theo hướng Đông - Tây, được trang trí đơn giản hơn so với tháp chính và cùng nằm trên một trục thẳng với cửa tháp chính. Nằm cách tháp cổng chừng 22m về phía hướng Nam là tháp bia, có kích thước và cấu trúc giống tháp cổng phía Đông.

Cạnh tháp chính là tháp hỏa cao khoảng 10m, được xây theo bình đồ hình chữ nhật. Do chỉ là một kiến trúc phụ có chức năng như một nhà kho (nơi người Chăm xưa dùng để đồ tế lễ) nên tháp có hình dáng và cấu trúc mô phỏng ngôi nhà sàn dân gian.

Dương Long là cụm tháp bằng gạch cao nhất Đông Nam Á đang tồn tại (ảnh: Dũng Nhân).
Dương Long là cụm tháp bằng gạch cao nhất Đông Nam Á đang tồn tại (ảnh: Dũng Nhân).

Cụm tháp Dương Long nằm ở địa phận 2 thôn Vân Tường (xã Bình Hòa) và thôn An Chánh (xã Tây Bình, huyện Tây Sơn) được xây dựng khoảng nửa cuối thế kỷ XII và hiện là cụm tháp bằng gạch cao nhất Đông Nam Á đang tồn tại. Cụm tháp là một quần thể gồm 3 tháp kỳ vĩ, xếp thẳng hàng trên vùng đồi theo trục Bắc - Nam, với chiều cao tháp bắc 32m, tháp giữa 39m, tháp nam 33m. Các tháp đều có cấu trúc chia làm 3 phần rõ rệt: đế, thân, mái tháp.

Điểm đặc biệt ở cụm tháp Dương Long là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc Chăm Pa và Khmer. Nghệ thuật Chăm Pa thể hiện qua bình đồ chân tháp vuông, vật liệu xây dựng chủ yếu là gạch, cùng các đề tài trang trí truyền thống của Chăm Pa như mặt Kala, dải hoa văn hình bầu vú, hoa văn cánh sen... Các yếu tố ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc Khmer thể hiện ở hình dáng thân tháp, kết hợp sử dụng đá trong kiến trúc gạch và các họa tiết trang trí như rắn Naga, chim thần Garuda.

Biểu diễn võ cổ truyền Bình Định bên tháp Dương Long (ảnh: Dũng Nhân).
Biểu diễn võ cổ truyền Bình Định bên tháp Dương Long (ảnh: Dũng Nhân).

Kết quả các cuộc khai quật khảo cổ và nhiều dấu tích kiến trúc đã sụp đổ cho thấy, nơi đây đã từng là một khu đền tháp lớn. Các tháp hiện còn ở cụm tháp Dương Long là những kiến trúc trung tâm, thờ 3 vị thần tối cao của Ấn Độ giáo là Brahma, Visnu và Shiva. Lần bước bên tháp xưa rêu phong cổ kính, du khách như lạc vào thế giới Chăm Pa xưa lung linh, huyền bí.

Đến với các cụm tháp Chăm ở Bình Định, chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật, tôn giáo độc đáo từ trí tuệ và bàn tay tài hoa của người Chăm xưa, ngậm ngùi trước phế tích còn lại của một vương triều đã mất, lắng lòng trước sự khắc nghiệt của thời gian và dâu bể chắc chắn sẽ đem lại cho du khách nhiều cảm xúc.

Tỉnh Bình Định hiện còn 8 cụm tháp Chăm (Bánh Ít, Dương Long, Đôi, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Bình Lâm, Hòn Chuông), với 14 tháp có niên đại từ thế kỷ XI - XV. Trong đó, nổi bật và thu hút khách du lịch đến tham quan nhất là tháp Đôi, tháp Bánh Ít, tháp Dương Long. Tất cả các tháp Chăm trên địa bàn Bình Định đều đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.