Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận kỷ vật của người cứu bé gái rơi từ tầng 12 ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhận được sự đề nghị của Bảo tàng Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Ngọc Mạnh đã đồng ý tặng một số kỷ vật liên quan đến các việc tốt anh đã làm gồm: 1 bộ quần áo, 1 đôi giày anh đã mặc và mang khi cứu cháu bé và bộ đồ nghề anh Mạnh đã từng sử dụng cắt tóc miễn phí cho đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn.
Anh Nguyễn Ngọc Mạnh người đã cứu bé gái rơi từ tầng 12 ở Hà Nội.
Anh Nguyễn Ngọc Mạnh người đã cứu bé gái rơi từ tầng 12 ở Hà Nội.

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2021), 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 – 5.6.2021) và sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã mở cửa triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thực hiện.

Với hơn 200 tài liệu, bài viết và hiện vật, triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” giới thiệu đến công chúng 131 tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến, gồm 60 tập thể và 71 cá nhân được lựa chọn từ hơn 300 tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong năm 2020 - 2021

Một trong những tấm gương tiêu biểu đó là Nguyễn Ngọc Mạnh, sinh năm 1990, cư trú ở xóm 4, thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội, hiện làm nghề lái xe tải. Anh chính là người cứu cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 ở chung cư 60B, Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Câu chuyện của anh Nguyễn Ngọc Mạnh tại triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý"

Câu chuyện của anh Nguyễn Ngọc Mạnh tại triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý"

Trước đó, để chuẩn bị cho triển lãm, các cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đề nghị anh Nguyễn Ngọc Mạnh tặng hiện vật cho bảo tàng. Nhận được sự đề nghị của Bảo tàng Hồ Chí Minh, anh Mạnh đã đồng ý tặng một số kỷ vật liên quan đến các việc tốt anh đã làm gồm: 1 bộ quần áo, 1 đôi giày anh đã mặc và mang khi cứu cháu bé; bộ đồ nghề anh Mạnh đã từng sử dụng cắt tóc miễn phí cho đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn. Bộ đồ nghề này do vợ anh - chị Phùng Thị Thủy, hiện làm giáo viên mầm non - tặng chồng mình.

Về bộ quần áo và đôi giày, anh Nguyễn Ngọc Mạnh chia sẻ: “Đây là bộ quần áo mà tôi mặc đi làm hàng ngày và cũng là bộ quần áo tôi đã mặc khi cứu cháu bé”. Còn về bộ đồ nghề cắt tóc, anh Mạnh cho biết: “Bộ đồ nghề do vợ mua cho khi tôi bắt đầu học nghề cắt tóc. Vì tôi là người thuận tay trái, nên vợ tôi đã rất khó khăn mới tìm mua được chiếc kéo này. Bởi vậy, đối với tôi, kỷ vật này như người bạn, người thân. Lúc đầu, tôi dự định mở cửa hàng cắt tóc để mưu sinh, nhưng vì việc cắt tóc từ thiện chiếm nhiều thời gian, hơn nữa các con tôi đều nhỏ nên tôi đã chuyển sang nghề lái xe để tăng thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn cắt tóc miễn phí cho anh em đồng nghiệp vì họ có cuộc sống vất vả, khó khăn, sáng đi làm sớm, tối mịt mới được về nhà, phần lớn thời gian phải ngồi trên xe, rất ít khi rảnh rỗi. Gắn bó với bộ đồ nghề này đã được một thời gian nhưng hôm nay, tôi quyết định tặng lại kỷ vật này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh làm hiện vật và lưu giữ lâu dài”.

Những hiện vật được anh Nguyễn Ngọc Mạnh trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Những hiện vật được anh Nguyễn Ngọc Mạnh trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tại buổi khai mạc triển lãm, ông Vũ Mạnh Hà - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - cho biết, trong phong trào thi đua Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh suốt 5 năm qua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, tạo sự lan tỏa lớn trong cộng đồng, góp phần vào việc xây dựng con người, xây dựng tổ chức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Cũng theo ông Hà, hành động dũng cảm và cuộc sống đời thường nhân ái, giản dị của anh Nguyễn Ngọc Mạnh đã đọng lại trong chúng ta bài học về tinh thần tương thân, tương ái, yêu thương con người, đồng thời là nguồn cổ vũ, động viên, khuyến khích mỗi chúng ta nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, lập nghiệp, phấn đấu để trưởng thành và cống hiến nhiều hơn cho đất nước.

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh đã được Thủ tướng Chính phủ gửi Thư khen, tặng Bằng khen, Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi Thư khen, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen cùng nhiều lời động viên, khen ngợi và sự cảm phục của cộng đồng xã hội. Nguyễn Ngọc Mạnh xứng đáng là một tấm gương bình dị mà cao quý trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đây là lần thứ 9 liên tiếp, triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và là một hoạt động chính trị, văn hóa ý nghĩa. Bởi triển lãm không chỉ giới thiệu, tôn vinh những tấm gương người tốt, việc tốt trên khắp mọi miền đất nước, mà còn góp phần để người xem nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó mỗi cá nhân có thể tìm ra cho mình những phương pháp học tập, làm theo Người trong mỗi công việc thiết thực hằng ngày.

Đọc thêm